Sức hấp dẫn từ Côn Đảo

Côn Đảo không chỉ là khu di tích lịch sử cách mạng lớn, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ, mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn. Du khách tìm về đây vừa để lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng, vừa được trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan những mô hình tái hiện cảnh giam giữ, tra tấn tại nhà tù Côn Đảo.
Du khách tham quan những mô hình tái hiện cảnh giam giữ, tra tấn tại nhà tù Côn Đảo.

Những ngày đầu tháng 4/2025, Côn Đảo đang bước vào dịp cao điểm du lịch, du khách ở khắp mọi miền đổ về dâng hương, tham quan và trải nghiệm.

Nặng lòng chứng kiến “địa ngục trần gian”

Côn Đảo là huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Năm 1861, thực dân Pháp chiếm Côn Đảo và lập ra hệ thống nhà tù vào năm 1862. Kể từ đó cho tới ngày đất nước thống nhất năm 1975, Côn Đảo trở thành “địa ngục trần gian” trong suốt 113 năm.

Dưới con mắt của thực dân, Côn Đảo là nơi lý tưởng, đáp ứng tốt những yêu cầu đối với một nhà tù bởi bốn bề là biển, cách xa đất liền, không có phương tiện đi lại nên người tù khó bề trốn thoát.

Hệ thống nhà tù ở Côn Đảo gồm các trại và khu biệt lập Chuồng Cọp, khu Chuồng Bò với 127 phòng giam, 44 xà lim và 504 phòng giam biệt lập. Thời Pháp thuộc, tại đây giam giữ những người tham gia các phong trào cách mạng và người yêu nước chống lại chính phủ thuộc địa. Đến thời Mỹ-nguỵ, Côn Đảo tiếp tục được sử dụng để giam cầm tù nhân.

Những năm gần đây, du khách đến Côn Đảo đa phần là đi lễ Nghĩa trang Hàng Dương - nơi an nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài từ năm 1862-1975. Ngoài ra, còn tham quan hệ thống các nhà tù, bảo tàng, di tích Cầu tàu 914, Vườn quốc gia Côn Đảo…

Khi tham quan nhà tù ở Côn Đảo, vẻ ngạc nhiên, nặng lòng hiện rõ trên gương mặt nhiều người. Chị Tuyết Nhi (huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) cho biết, đây là lần đầu tiên đến Côn Đảo và không khỏi xúc động khi chứng kiến những mô hình tái hiện cảnh giam giữ, tra tấn những tù binh yêu nước. “Tôi đã khóc khi chứng kiến những hình ảnh tại nơi đây, cảnh tra tấn được tái hiện lại một cách rất chân thật, hiện rõ sự đau đớn trên những gương mặt tù nhân”, chị Nhi chia sẻ.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Nguyễn Văn Vẻ (78 tuổi, quê tỉnh An Giang) cho biết: “Tôi được các con, cháu đưa đi du lịch và đến tham quan Bảo tàng Côn Đảo, di tích một số nhà tù và Nghĩa trang Hàng Dương; thấy có nhiều người chỉ trạc tuổi tôi khi còn trẻ nhưng đã mãi nằm lại ở mảnh đất này. Tôi rất xúc động và thầm cảm ơn những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tuổi xuân giành độc lập cho đất nước”.

Chiến tranh đã lùi xa, hàng vạn người đã ngã xuống, nhưng nhiều người khi đến thăm nhà tù Côn Đảo, chứng kiến những chứng tích lịch sử đã phần nào hiểu rõ về ý chí quật cường, trung kiên của bậc cha ông trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Chợ đêm Côn Đảo hấp dẫn

Không khó để tìm đường đến với Chợ đêm Côn Đảo nằm ngay trung tâm thị trấn, trên tuyến đường Võ Thị Sáu, Phạm Văn Đồng. Chợ có khoảng 25 gian hàng, chủ yếu kinh doanh hải sản tươi sống như: Tôm mũ ni, cá, ốc, ghẹ, nhum biển…

Du khách có thể tự tay chọn những loại mình muốn và nhân viên sẽ chế biến các món ăn theo yêu cầu. Bắt đầu từ 17 giờ, các ki-ốt, gian hàng trong khu chợ đêm đã có khách. Cao điểm là từ 19 giờ, sau đó giảm dần vào 22 giờ hoặc 23 giờ đêm, tùy theo mùa và kết thúc trước 2 giờ sáng hôm sau.

Ông Bùi Văn Sơn, tiểu thương ở chợ đêm cho biết, ông quê Hải Phòng, ra lập nghiệp ở Côn Đảo từ năm 2001 và làm nghề buôn bán hải sản, bắt đầu kinh doanh tại chợ đêm từ năm 2022 đến nay. “Mỗi tháng tiền thuê ki-ốt là 6 triệu đồng. Quán nhà tôi bán hải sản chế biến ăn tại chỗ hoặc mua mang đi. Mùa này, khách du lịch đông, hàng hóa bán tốt. Từ tháng 6 trở đi là mùa thấp điểm du lịch, khách ít và bán kém hơn”, ông Sơn cho biết.

Anh Nguyễn Phú Ngân (quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, anh và đoàn của gia đình đã tới Côn Đảo được hai ngày, buổi tối gia đình ra chợ đêm để thưởng thức món ăn. Các món ăn ở đây chủ yếu là hải sản tươi sống, được chế biến trực tiếp bảo đảm an toàn thực phẩm. Nói là chợ nhưng không gian thoải mái, thoáng mát dễ chịu và không khí nhộn nhịp, vui hơn đi vào nhà hàng.

Tuy nhiên, Chợ đêm Côn Đảo hiện hầu hết là hàng ăn, nước giải khát mà thiếu những gian hàng bán sản vật địa phương, quà lưu niệm cho du khách tham quan, mua sắm. “Tới chợ, chúng tôi cũng kỳ vọng là ngoài ăn uống sẽ có thêm các dịch vụ khác như điểm bán các đặc sản ở Côn Đảo để mua làm quà”, chị Hải (quê Bạc Liêu) cho biết.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo, trong dịp lễ 30/4-1/5, huyện sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: Lễ viếng Nghĩa trang Hàng Dương, Đền thờ Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Keo vào 7 giờ sáng ngày 25/4; tổ chức hội thi kết bè và đua bè truyền thống lần thứ19 vào ngày 30/4 tại Di tích Cầu tàu 914; khu ẩm thực chủ đề “Ẩm thực dân gian ba miền” từ ngày 29/4-3/5 tại đường Nguyễn Huệ.

Huyện cũng tổ chức khu vui chơi tại vòng xoay đường Nguyễn Huệ- Lê Hồng Phong kéo dài, đoạn đường Lê Hồng Phong tới ngã tư Phạm Văn Đồng; các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4; trưng bày sách tại Trường trung học cơ sở LêHồng Phong và tổ chức hội thi kểchuyện sách măng non.