Chú trọng sức khỏe tinh thần và thể chất cho học sinh trước kỳ thi vào lớp 10

NDO - Trước một kỳ thi quan trọng như kỳ thi vào lớp 10, mỗi học sinh đều đề ra cho mình những mục tiêu nhất định. Để đạt được mục tiêu ấy, các em không những cần tìm cho mình phương pháp học tập tốt và nỗ lực củng cố kiến thức, mà còn phải có sự chuẩn bị vững vàng về mặt tâm lý cũng như có chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt khoa học để có thể chất tốt.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh thi vào lớp 10 (Ảnh minh hoạ: THỦY NGUYÊN)
Học sinh thi vào lớp 10 (Ảnh minh hoạ: THỦY NGUYÊN)

Gánh nặng tâm lý

Mới học lớp 8, nhưng Nguyễn Minh Thư, Trường THCS Nam Từ Liêm đã luôn suy nghĩ về kỳ thi vào lớp 10 mà em sẽ phải đối mặt. “Kỳ thi này mang lại rất nhiều áp lực, từ sự kỳ vọng của bố mẹ đến áp lực với bạn bè và áp lực của chính bản thân” - Minh Thư chia sẻ. Không riêng Minh Thư, rất nhiều học sinh mới bước vào bậc trung học cơ sở đã cảm thấy bị đè nặng áp lực tâm lý trước kỳ thi tuyển vào các trường trung học phổ thông.

Luôn mong muốn được đồng hành và hỗ trợ con bằng tất cả khả năng trong các kỳ thi, song dường như các phụ huynh cũng không tránh khỏi sự bối rối. “Ước ao lớn nhất của cha mẹ bao giờ cũng là việc con cái đỗ vào ngôi trường tốt. Gia đình tôi đã cố gắng tìm thầy cô tốt để con đi học thêm, đồng hành cùng con trong những sự kiện quan trọng, quan tâm đến sức khỏe của con mỗi ngày” - Chị Nguyễn Thị Thùy Nga (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết. Nhưng chị cũng thừa nhận: "Dù vậy, không phải lúc nào hai mẹ con cũng có thể hiểu được những cảm xúc của nhau".

Một nhóm học sinh đến từ các trường THPT chuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cùng nhau xây dựng dự án High School Help Kit nhằm xây dựng một cộng đồng nơi các em học sinh lớp 9 có thể chia sẻ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về kiến thức, tháo gỡ khúc mắc về sức khỏe tâm lý trong kỳ thi vào lớp 10 với sự đồng hành của những học sinh đạt thành tích cao đến từ các trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội, chuyên gia tâm lý, chuyên gia dinh dưỡng… Cha mẹ học sinh cũng có thể tham gia để hiểu về kỳ thi cũng như hiểu con mình hơn.

Chia sẻ tại sự kiện do High School Help Kit tổ chức vừa diễn ra đầu tháng 4, ThS Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra rằng, học sinh trong độ tuổi này đang phải đối mặt với nhiều yếu tố: sự thay đổi về sinh lý ở tuổi dậy thì, áp lực trước kỳ thi, sự kỳ vọng của cha mẹ và cả áp lực đồng trang lứa.

Có thể thấy rằng mỗi học sinh đều có những trăn trở, âu lo nhất định trước các kỳ thi. Từ những vướng mắc tâm lý thông thường, ở một số học sinh có cả một số bệnh tâm lý dễ gặp như chứng trầm cảm hay rối loạn lo âu.

Chú trọng sức khỏe tinh thần và thể chất

Việc giữ một tinh thần thoải mái, lành mạnh là điều vô cùng cần thiết với các bạn học sinh trong độ tuổi thanh thiếu niên.

“Sức khỏe tâm lý đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, năng lực học tập của học sinh. Nếu các bạn ấy hiểu được chính mình và biết cách kiểm soát cảm xúc thì đời sống tâm lý sẽ khỏe mạnh. Và khi có sức khỏe tâm thần tốt, lập tức cuộc sống sẽ trở nên cân bằng, việc thực hiện các mục tiêu về học tập sẽ dễ dàng hơn”, ThS Nguyễn Viết Hiền chia sẻ.

Theo các chuyên gia, sự quan tâm của gia đình là vô cùng cần thiết, nhưng cách thức phải phù hợp với từng em, đôi khi sự quan tâm của cha mẹ không được biểu đạt đúng lại trở thành áp lực nặng nề với con cái. Các phụ huynh cũng không nên áp đặt tiêu chí về trường lớp quá cao hay ngược lại là có thái độ thờ ơ, phủ nhận nỗ lực của con.

Cả các bạn trẻ và phụ huynh đều cần học cách sẵn sàng đối diện với những sự việc không như ý muốn.

Bên cạnh đó, để chinh phục kỳ thi đầy cam go phía trước, ngoài trau dồi kiến thức, sở hữu tinh thần tích cực và vững vàng, thì việc giữ gìn sức khỏe thể chất cũng vô cùng quan trọng với các bạn học sinh.

Minh Thư cho biết: “Khi bị áp lực từ việc có quá nhiều bài vở, em thường ăn nhiều đồ ngọt để giảm bớt căng thẳng”.

Còn Phạm Thái Bảo, học sinh lớp 9 Trường THCS Thanh Liệt thì ít khi để ý đến thực phẩm ăn uống hằng ngày, em ăn những gì mình thích, đôi khi bỏ bữa sáng vì không kịp ăn trước lúc vào buổi học.

TS, BS Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói với các học sinh và phụ huynh: “Lứa tuổi vị thành niên là một trong các giai đoạn phát triển thể chất tốt nhất. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, các bạn lại gặp quá nhiều áp lực về học hành, thiếu các hoạt động thể lực".

Nếu không có một chế độ dinh dưỡng hợp lý thì sẽ rất dễ bị thiếu hụt hoặc suy dinh dưỡng, dẫn đến mệt mỏi, buồn ngủ và mất tập trung. Như vậy, dù các bạn có đầu tư thời gian để học nhiều đến mấy cũng không đạt hiệu quả tốt. Về lâu dài, việc ăn uống không lành mạnh còn có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa.

TS, BS Nguyễn Thùy Linh cũng đưa ra các lời khuyên cho phụ huynh và học sinh là dù bận thế nào các bạn học sinh tuyệt đối không bỏ bữa sáng, lựa chọn những thực phẩm lành mạnh cho sức khỏe, hạn chế tình trạng vừa học vừa ăn.

Thời điểm này, học sinh cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Mỗi ngày, các bạn nên dành 10-15 phút tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bổ sung thực phẩm giàu kẽm, Omega-3 và Vitamin B6 để cải thiện trí não và tăng độ tập trung. Điều này sẽ giúp các bạn có được thể chất tốt hơn, sẵn sàng với mọi hoạt động ôn tập cho bất cứ kỳ thi nào.