Thay đổi nhận thức để giảm áp lực thi lớp 10

NDO -

NDĐT- Chiều 9-6, 76.000 thí sinh tại Hà Nội đã hoàn thành bài thi môn Toán, kết thúc kỳ thi vào lớp 10 các trường THPT công lập (hệ không chuyên). Sau kỳ thi này, sẽ có 70% trong số thí sinh trên sẽ vào học tại các trường phổ thông công lập. Và thực tế là trong khi các trường công lập quá tải thì hệ thống trường trung cấp, học nghề lại tuyển sinh èo uột.

(Ảnh trong bài: Minh Sơn - Đăng Anh)
(Ảnh trong bài: Minh Sơn - Đăng Anh)

Nhiều thí sinh bỏ thi

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, kết thúc buổi thi môn Ngữ văn, có 259 thí sinh và 4 cán bộ coi thi vắng mặt. Có hai thí sinh vi phạm quy chế, do đem theo điện thoại và tài liệu vào phòng thi.

Vào buổi chiều thi môn toán, có đến 408 thí sinh vắng mặt, 1 thí sinh vi phạm quy chế thi do nhờ người thi hộ. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng ghi nhận không có giáo viên coi thi nào vi phạm quy chế thi.

Có thể thấy số thí sinh bỏ thi khá nhiều. Chưa có số liệu thống kê đầy đủ, song có thể thấy một trong số những nguyên nhân là do nhiều em đã có lựa chọn con đường tiếp tục học phổ thông tại nước ngoài.

Ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân tại hội đồng thi trường THPT Việt Đức cho thấy, đa số thí sinh đăng ký vào trường này đều có học lực khá, giỏi. Kết thúc ngày thi, nhiều bạn tự tin cho biết mình làm bài khá tốt. Tuy nhiên, hầu hết các thí sinh đều lo lắng vì tỉ lệ "chọi" của trường này khá cao.

"Em thấy đề không khó, nhưng vẫn lo vì tỷ lệ chọi cao", thí sinh Lê Hải Anh cho biết. Cùng tâm trạng này, bạn Nguyễn Lan Hương lo ngại: "Em làm được 90%, nhưng vẫn không tự tin lắm về việc mình sẽ đỗ".

Áp lực "trường công"

Nếu như thí sinh lo lắng một thì các phụ huynh chờ đợi ở ngoài còn lo lắng gấp nhiều lần. Các phụ huynh đều hy vọng con mình đỗ vào trường công lập. Trong khi theo chỉ tiêu được công bố, trong số 76 nghìn thí sinh năm nay chỉ có 70% là sẽ được vào học tại các trường công lập. Sự lo lắng và kỳ vọng của phụ huynh tạo thêm nhiều áp lực cho các thí sinh. Thực tế này đã diễn ra suốt nhiều năm qua.

Trong những năm gần đây, nhiều trường dân lập, quốc tế đã được thành lập và hoạt động song song với hệ thống công lập. Tuy nhiên, sở dĩ áp lực vào lớp 10 trường công của Hà Nội vẫn rất lớn là do tâm lý của cả phụ huynh lẫn học sinh.

Anh Ngô Xuân Sử - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội lý giải: "Các phụ huynh muốn con vào trường công là vì tính thống nhất của các cấp học từ tiểu học đến cấp 3 (THPT)".

Một vị phụ huynh khác nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân khiến các phụ huynh không muốn con học trường tư là do học phí cao mà gia đình không đáp ứng được, nhưng lớn hơn cả vẫn là chưa thực sự tin tưởng chất lượng đào tạo của các trường này. Những quan điểm này được nhiều vị phụ huynh đồng tình.

Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, cần phải thay đổi nhận thức trên.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, thực tế cho thấy trong khi các trường phổ thông công lập quá tải thì hệ thống trường trung cấp, học nghề lại tuyển sinh èo uột. Vì thế, theo ông để giảm áp lực cho kỳ thi, quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức của phụ huynh hướng cho con em mình có thể đi theo hệ học nghề thay vì phải học hết THPT bằng mọi giá như hiện nay.

Nhưng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng thừa nhận, để thay đổi được quan niệm này thì các trường nghề cũng phải thay đổi theo hướng đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là vấn đề tạo việc làm cho các em sau khi ra trường như thế nào. Đây mới là yếu tố quyết định để thu hút được học sinh.

"Nếu phân luồng tốt thì bài toán áp lực vào trường công sẽ được giải tỏa", ông Độ nói.

Một số hình ảnh Kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội ngày 9-6:

Thay đổi nhận thức để giảm áp lực thi lớp 10 ảnh 1

Phụ huynh dõi theo con

Thay đổi nhận thức để giảm áp lực thi lớp 10 ảnh 2

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội kiểm tra công tác thi

tại điểm thi Trường PTTH Nguyễn Trãi, quận Ba Đình

Thay đổi nhận thức để giảm áp lực thi lớp 10 ảnh 3

Thí sinh vội tới điểm thi

Thay đổi nhận thức để giảm áp lực thi lớp 10 ảnh 4

Phụ huynh chia sẻ, động viên con sau khi kết thúc môn thi