Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc

NDO - Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân mong muốn, dịp Tết Nguyên đán sắp đến, tỉnh Sóc Trăng có các chính sách quan tâm đầy đủ hơn đến người dân, nhất là người dân có hoàn cảnh khó khăn để mọi người, mọi nhà đều có Tết sum vầy, ấm cúng, chuẩn bị đón năm mới nhiều hứa hẹn hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch nước gặp mặt Đoàn đại biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng.
Phó Chủ tịch nước gặp mặt Đoàn đại biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng.

Ngày 21/12, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn đại biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và chăm lo cho đồng bào dân tộc là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Các chủ trương, chính sách chăm lo, đầu tư cho các vùng đồng bào dân tộc của Đảng, Nhà nước ngày càng tốt hơn qua đó từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, vùng miền, giữa đô thị và nông thôn.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước biểu dương những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Sóc Trăng; đồng thời ghi nhận những đóng góp quan trọng của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong xây dựng quê hương ngày càng phát triển và có nhiều khởi sắc, đặc biệt trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự ổn định chung của đất nước.

Phó Chủ tịch nước đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục khơi dậy khát vọng và tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội địa phương, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các Nghị quyết của Trung ương đề ra. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực, tập trung cho công tác giáo dục đào tạo và dạy nghề để đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung, trong đó, chú trọng đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc.

Cùng với việc phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tỉnh Sóc Trăng cần có sự quan tâm đúng mức, tiếp tục bồi dưỡng các kỹ năng, cách thức để người có uy tín thực hiện tốt nhiệm vụ trong bối cảnh mới; tạo điều kiện cho người uy tín trẻ tuổi cùng đóng công, góp sức, trở thành lực lượng người uy tín nòng cốt cho địa phương trong thời gian tới.

Đồng thời, người có uy tín trong cộng đồng trở thành cầu nối quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc thiểu số, có nhiều đóng góp thiết thực trong xây dựng quê hương, đất nước, các phong trào thi đua yêu nước và vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc.

Cảm ơn Phó Chủ tịch nước đã dành thời gian gặp mặt Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, hiện toàn tỉnh có 606 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, là các trưởng dòng họ; trưởng ấp, khóm và tương đương; chức sắc tôn giáo; nhân sĩ, trí thức; doanh nhân... Năm 2022, tỉnh đã bố trí hơn 2,86 tỷ đồng thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong thời gian tới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện chính sách và phát huy vai trò người có uy tín; đồng thời, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; phối hợp với cấp ủy chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đề cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội địa phương.