Những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều trạm quan trắc, ứng dụng đo lường chất lượng không khí Hà Nội liên tục cho kết quả ở mức xấu, thậm chí ở mức nguy hiểm tới sức khỏe của người dân.
Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội vẫn còn diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là ô nhiễm nước mặt trong các sông, hồ, kênh thoát nước; ô nhiễm không khí và ô nhiễm chất thải rắn, rác thải sinh hoạt do chưa được phân loại, xử lý dứt điểm...; cũng như do hoạt động của con người và thời tiết, khí hậu và các phương tiện cá nhân như ô-tô, xe máy dùng xăng, dầu...
Hiện Hà Nội có gần 7 triệu xe máy lưu thông, trong đó nhiều xe máy đã cũ, không được bảo trì thường xuyên, khói đen thải ra môi trường... là nguồn phát thải bụi mịn PM2.5.
Bên cạnh đó, hoạt động đốt rơm rạ, rác thải sinh hoạt của người dân không được kiểm soát cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường không khí. Do quỹ đất hạn hẹp, một số nơi gặp khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải, vẫn còn tình trạng đổ rác và đốt rác không đúng nơi quy định. Tình trạng các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng không che chắn, phát tán bụi ra môi trường khá phổ biến.
Ðáng chú ý, do chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác BVMT cho nên các thói quen xấu như: Vứt rác, chất thải, xác súc vật... ở nơi công cộng, nguồn nước vẫn chưa được khắc phục triệt để, trong khi cơ chế giám sát của cộng đồng trong phát hiện hoạt động xả thải trái pháp luật chưa thật sự hiệu quả; ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các hộ sản xuất, kinh doanh tại một số làng nghề còn kém…
Trước thực trạng nêu trên, để từng bước ngăn chặn, giảm nguồn phát sinh ô nhiễm, TP Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác BVMT. Trong đó, Thành ủy Hà Nội ban hành nhiều văn bản về tăng cường công tác BVMT trên địa bàn Hà Nội...
Trong đó, thành phố đã đề cập đến nhiều lĩnh vực từ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đến xác định cụ thể các "điểm đen", khu vực ô nhiễm môi trường; xử lý ô nhiễm và kiểm tra các nguồn xả thải…
Mặt khác, thành phố cũng giao đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ… các quận, huyện, thị xã và cơ sở đổi mới phương thức truyền thông, nâng cao nhận thức cho hội viên về BVMT trong việc thực hiện nhiều mô hình, cách làm hay có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng đã được xây dựng và triển khai như: "Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn", "Ðổi phế liệu lấy cây xanh", "Xử lý rơm rạ sau thu hoạch"…
Từ việc phân công rõ trách nhiệm, lan tỏa các mô hình cách làm hay cho các hội, sở, cơ quan, đơn vị liên quan cho nên công tác BVMT trên địa bàn thành phố bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trong những năm tới, để Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, phát triển nhanh, bền vững, cơ quan và ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó cần đánh giá cụ thể những vướng mắc về mặt chính sách, thể chế liên quan để đề xuất cơ chế đặc thù cho Hà Nội triển khai các giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nước, xử lý chất thải rắn…
Thành phố cần tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ thành phố xuống các quận, huyện, thị xã cho phù hợp với thực tế và theo quy định đặc thù của Luật Thủ đô; đồng thời tập trung lập quy hoạch BVMT Thủ đô đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 lồng ghép với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, bảo đảm 100% có hệ thống xử lý nước thải phục vụ việc di chuyển các làng nghề đang hoạt động trong khu dân cư.
Bên cạnh đó, cần triển khai áp dụng công nghệ mới về xử lý ô nhiễm môi trường nước trên hệ thống hồ, ao; phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; triển khai thực hiện đề án cải tạo môi trường, từng bước làm sống lại các sông: Nhuệ, Ðáy, Tô Lịch, Tích...; nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch mạng lưới thu gom, xử lý nước thải của thành phố theo hướng nước thải phải được thu gom xử lý tại đầu nguồn, khắc phục tình trạng xử lý nước thải cuối nguồn như hiện nay; khẩn trương hoàn thành điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn, bảo đảm 100% lượng rác thải sinh hoạt ở Hà Nội được thu gom, xử lý theo quy định, nhằm thay thế việc xử lý rác bằng hình thức chôn lấp, giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải xuống dưới 30%.