Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021

NDO -

Được sự đồng ý của Đảng đoàn Quốc hội và trên cơ sở ý kiến Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững, diễn ra vào sáng nay, 5/12, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tại hơn 60 điểm cầu trong nước và quốc tế. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có bài phát khai mạc, tham dự tọa đàm cấp cao và có bài phát biểu kết luận, bế mạc Diễn đàn.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững" diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ICC (số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 -0
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tại Diễn đàn.

Ngoài điểm cầu chính khác tại Phòng Thăng Long, Nhà Quốc hội, Diễn đàn được kết nối trực tuyến với 57 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; một số điểm cầu cơ quan trong nước và nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam, 2 điểm cầu quốc tế tại Pháp và Mỹ nhằm phục vụ sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 -0
 Các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế tại điểm cầu Hà Nội.

Quốc hội đổi mới, chủ động và đồng hành

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sáng nay chủ trì diễn đàn kinh tế việt nam năm 2021 -0
 Một trong những hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Diễn đàn-Tọa đàm Tham vấn chuyên gia về kinh tế-xã hội tổ chức ngày 27/9. (Ảnh: DUY LINH và CTV)

Xuất phát từ mong muốn và nhu cầu thực tiễn, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 được hình thành với mục tiêu “phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”. Thông qua Diễn đàn sẽ có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới.

Tại các cuộc làm việc gần đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các lãnh đạo Quốc hội cho biết, mục đích của Diễn đàn là phát huy tối đa, tập hợp đầy đủ trí tuệ, đóng góp của các đại biểu Quốc hội các khóa, của người dân và cử tri, cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời tập hợp hình thành và khai thác mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, mạng lưới sáng kiến Quốc hội Việt Nam trong và ngoài nước, góp phần nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội.

Trong đó, một yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại các cuộc làm việc vừa qua tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực các ủy ban của Quốc hội và nhiều bộ, ngành trên nhiều lĩnh vực, đó là: Phải đánh giá tác động chính sách hết sức kỹ lưỡng, đánh giá đúng, trúng tác động của đại dịch đối với kinh tế-xã hội ở trong nước, xác định được mức độ thiệt hại và khả năng phục hồi của nền kinh tế, xác định lĩnh vực cần tập trung hỗ trợ để phục hồi và phát triển, xác định lĩnh vực có tiềm năng như kinh tế số, công nghệ thông tin… để có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tác động lan tỏa đối với nền kinh tế.

Đặc biệt, các giải pháp ngắn hạn cũng phải đặt trong tổng thể dài hạn, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững, không đưa ra các chính sách có thể giúp phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, trước mắt nhưng lại gây bất ổn vĩ mô trong dài hạn.

Trên cơ sở đánh giá tác động và phân tích dư địa của chính sách tài chính, tiền tệ mới có thể xác định rõ các nguyên tắc, quy mô, liều lượng, trọng tâm của chính sách tập trung vào các lĩnh vực nào, phân bổ vào đâu và đề xuất cụ thể về phương thức huy động nguồn lực, các giải pháp liên quan lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sáng nay chủ trì diễn đàn kinh tế việt nam năm 2021 -0
Ngày 3/12, Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ủy ban Xã hội, một số ủy ban liên quan và lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành. (Ảnh: DUY LINH và CTV) 

Tại cuộc họp báo về chương trình “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, để thực hiện thành công các nghị quyết của Quốc hội, cấp thiết, khẩn trương phải có các chính sách hỗ trợ cả về kinh tế và xã hội trên cơ sở phù hợp điều kiện, bối cảnh thực tiễn của đất nước để bảo vệ thành quả đã đạt được trong thời gian qua, tránh nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới, đạt được các mục tiêu trước mắt cũng như trong dài hạn.

Quyết tâm cao: Vào cuộc “từ sớm, từ xa”

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, “với tinh thần chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa”, thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, bàn về các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển bền vững kinh tế-xã hội, đặc biệt là việc phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu này. 

Việc các cơ quan của Quốc hội triển khai chủ trương tổ chức diễn đàn kinh tế thường niên thể hiện cam kết mạnh mẽ của Quốc hội trong nỗ lực đồng hành với đất nước, khơi dậy niềm tin để vững vàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng nhằm phục vụ hiệu quả cho các quyết sách của Quốc hội về gói chính sách tài khóa, tiền tệ (hỗ trợ cho Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ) dự kiến sẽ được bàn thảo tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội trong thời gian tới.

Ban Tổ chức cho biết, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần này mở rộng về nội dung, quy mô, không chỉ về các vấn đề kinh tế, mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường. Hướng đến đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó đối với dịch Covid-19 và kết quả.

Bên cạnh đó, nhiều tham luận, phát biểu tham luận của các chuyên gia kinh tế, tài chính quốc tế và các chuyên gia trong nước phân tích, bình luận, làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của dịch Covid-19 với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của Covid-19; xu hướng sản xuất, kinh doanh thay đổi do tác động của dịch bệnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sáng nay chủ trì diễn đàn kinh tế việt nam năm 2021 -0
 Ngày 25/11, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội về chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH và CTV)

Hơn nữa, nghiên cứu các chính sách ứng phó với dịch Covid-19 đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Đưa ra các gợi ý về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế-xã hội; huy động và sử dụng tối đa, đồng bộ, hiệu quả nguồn lực; thực hiện linh hoạt, phù hợp, tận dụng tối đa những dư địa của của nền kinh tế; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế thực hiện cụ thể với nguồn lực kèm theo.

Mặt khác, đề xuất giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách tác động ngay, một số chính sách dài hạn tác động đến động lực tăng trưởng nền kinh tế, cũng như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và một số ngành, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên… gắn kết hữu cơ với giải quyết các vấn đề xã hội.

Diễn đàn lần này được tổ chức sẽ góp phần tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; các cơ quan của Quốc hội trong tăng cường giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết; nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhất là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài nguyên, môi trường, lao động, việc làm…

Qua đó, tích cực góp phần đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, giai đoạn 2021-2030; triển khai các nghị quyết của Quốc hội; nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, khả thi của các đạo luật…

Diễn đàn được chia thành 2 phiên: Phiên toàn thể buổi sáng, Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều gồm hai chuyên đề, chuyên đề thứ nhất về “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và chuyên đề thứ hai về “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.