Ý kiến cử tri

Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn khoa học, đi thẳng vào trọng tâm

Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tôi thấy Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ điều hành rất sát, khoa học, linh hoạt, gợi mở và khích lệ để các vị đại biểu Quốc hội nêu các câu hỏi, vấn đề chất vấn các thành viên Chính phủ; đồng thời, động viên để các Bộ trưởng tự tin, trả lời các vấn đề đại biểu nêu ra.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ngày 8/6/2023.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ngày 8/6/2023.

Ðáng chú ý, những câu hỏi chưa được trả lời hoặc trả lời chưa trúng, Chủ tịch Quốc hội đã có sự điều hành để người được chất vấn trả lời đúng trọng tâm những vấn đề đại biểu nêu ra. Có thể thấy, dưới sự điều hành mạch lạc, đi thẳng vào những vấn đề trọng tâm của Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn bảo đảm đúng thời gian quy định, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và phản ánh sát với diễn biến thực tế, đời sống và tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân và cử tri cả nước.

Trong phần kết luận, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phiên chất vấn có thành công tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào kết quả thực hiện các cam kết và lời hứa của Chính phủ, các thành viên Chính phủ. Ðiều này đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhân dân, cử tri giám sát việc thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp. Tôi rất mong với sự công tâm, giám sát sát sao của các cơ quan dân cử, các nhóm vấn đề sau phiên chất vấn, nhất là nội dung về lao động, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải sẽ có những bước chuyển tích cực trong thời gian tới.

Ðào Văn Long

(Phố Tư Ðình, quận Long Biên, Hà Nội)

Kiểm soát quyền lực là giải pháp căn cơ để phòng, chống tham nhũng

Nhiều nội dung trong phiên chất vấn được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời đầy đủ. Phó Thủ tướng đã phân tích, đánh giá và đưa ra những giải pháp đối với các lĩnh vực, như: Kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; không để xảy ra đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; giải ngân vốn đầu tư công và nguồn cát trong san lấp mặt bằng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Chúng tôi tâm đắc với ý kiến trả lời của Phó Thủ tướng là: Quyền lực có xu hướng bị tha hóa nếu không kiểm soát. Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực cho nên kiểm soát quyền lực là giải pháp căn cơ để phòng, chống tham nhũng; giúp loại bỏ sai phạm, ngăn ngừa, xử lý nghiêm sai phạm. Suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Vì vậy, chúng ta phải kiểm soát quyền lực, nhất là các cơ quan quản lý quyền lực nhà nước.

Thời gian tới, Nhà nước cần phải hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử; tăng cường giám sát đối với những người có chức vụ, quyền hạn…

TRẦN DUY LINH

(Phường 6, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông giúp Tây Nguyên phát triển

Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, tôi thấy các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề.

Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng với tính đặc thù riêng, có tiềm năng phát triển kinh tế lớn của nước ta; trong đó, giao thông là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển này. Ðồng bào các dân tộc tại Tây Nguyên mong mỏi được xây dựng và nâng cấp các tuyến đường bộ, nhất là các tuyến giao thông trọng điểm như cao tốc kết nối các tỉnh trong khu vực và đến Bình Ðịnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh…

Với tiềm năng lớn về nông sản, lợi thế về phát triển cây công nghiệp ngắn và dài ngày, việc hình thành, đồng bộ các tuyến giao thông sẽ tiết giảm chi phí logistics, từ đó thu hút các doanh nghiệp lớn trong nước và thế giới đến đầu tư tại Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, xây dựng, nâng cấp hệ thống đường sắt và đường hàng không kết nối tại Tây Nguyên, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa và du khách. Nâng cao chất lượng dịch vụ công cộng tại các trạm dừng chân, các bến xe và sân bay trong khu vực Tây Nguyên, nhằm đưa ra những trải nghiệm tốt nhất cho hành khách.

Có thể nói, việc phát triển giao thông sẽ là yếu tố then chốt để Tây Nguyên phát triển kinh tế bền vững và hấp dẫn đầu tư.

A Dược

(Xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum)

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong hoạt động đăng kiểm

Theo dõi phần chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, tôi đồng tình với nội dung đại biểu chất vấn Bộ trưởng liên quan việc đăng kiểm xe cơ giới. Ðây là vấn đề cử tri rất quan tâm, gây bức xúc thời gian qua. Phần trả lời của Bộ trưởng đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sai phạm, tiêu cực của Cục Ðăng kiểm Việt Nam và nhiều trung tâm đăng kiểm thời gian qua. Tuy nhiên, trách nhiệm của người đứng đầu, "lỗ hổng" trong quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành đối với lĩnh vực này chưa được làm rõ.

Tôi mong muốn trước mắt, Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng chỉ đạo có giải pháp để không xảy ra ùn tắc, hành vi tiêu cực, trục lợi trong việc đăng kiểm, gây mất an ninh trật tự, tạo dư luận xấu trong xã hội. Mong muốn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thực hiện đúng nội dung đã cam kết, sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại văn bản quy định hoạt động đăng kiểm. Cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cơ quan thanh tra chuyên ngành đối với hoạt động đăng kiểm, tránh tái diễn sai phạm, tiêu cực như thời gian qua.

HOÀNG ANH ÐẠT
(Phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình)

Hạ tầng kết nối vùng, liên vùng còn hạn chế

Hà Tĩnh là địa phương nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thời gian qua, thông qua các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh, các địa phương trên địa bàn đã từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông.

Với việc sớm xây dựng định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh đã xác định rõ trung tâm động lực, các ngành kinh tế trọng điểm, hành lang phát triển kinh tế... Vì vậy, vấn đề kết nối vùng, liên vùng càng trở nên quan trọng, bức thiết. Trong khi đó, hiện nay một số tuyến giao thông kết nối vùng, liên vùng ở Hà Tĩnh chưa được kịp thời đầu tư, xây dựng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Tôi mong muốn và đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, ưu tiên nguồn lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, tạo tiền đề hình thành các hành lang phát triển kinh tế, phục vụ phát triển giao thương liên vùng, kết nối Khu kinh tế Vũng Áng với nước bạn Lào và đông bắc Thái Lan; đồng thời, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh kết hợp cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương.

Nguyễn Trọng Tuệ

(Phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh)