Tạo chuyển biến tích cực, rõ nét đối với các vấn đề được chất vấn

Sáng 8/6, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 năm 2023 và giải trình một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh Ðăng Khoa)
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh Ðăng Khoa)

Tập trung khắc phục kịp thời những hạn chế

Tiếp tục phiên chất vấn thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, trả lời câu hỏi về giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cần giải quyết tháo gỡ về lâu dài, không thể hoàn thành một sớm một chiều.

Trong đó, cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc quy hoạch đô thị gắn với quy mô dân số. Nếu ở vùng lõi tiếp tục mọc lên các chung cư cao tầng thì tình trạng ùn tắc sẽ tiếp diễn. Trong quá trình quản lý quy hoạch đô thị cần chú trọng đến đất giao thông. Bộ trưởng cho rằng, đất giao thông cần từ 16% đến 26% đất đô thị, tuy nhiên hiện nay đất dành cho giao thông ở đô thị mới chỉ khoảng 8% đến 9%.

Trả lời về trách nhiệm của bộ trong việc chậm phản ứng, khiến các trung tâm đăng kiểm chậm hoạt động trở lại, Bộ trưởng cho biết, trong công tác điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố, bắt giam bị can do công an các địa phương thực hiện.

Do vậy, khi xảy ra ở đâu, Bộ trực tiếp trao đổi, báo cáo Bộ trưởng Công an để có phương án giải quyết, nhưng 75% số trung tâm đăng kiểm của các doanh nghiệp tư nhân, cho nên khó khôi phục ngay được. Thời gian tới, Bộ sẽ siết chặt hơn nữa, ban hành các quy định làm cơ sở cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra tốt hơn, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ, xây dựng đề án tách kinh doanh dịch vụ công khỏi công tác quản lý để bảo đảm thanh tra, kiểm tra được khách quan, minh bạch.

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ ghi nhận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nắm vững các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, trả lời đầy đủ, nhận diện đúng các bất cập, tồn tại trong ngành, đề xuất một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ngành giao thông vận tải vẫn còn những hạn chế và vướng mắc, khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông vận tải, các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo đôn đốc thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp tục tái cơ cấu thị trường vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt.

Tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực do Bộ Giao thông vận tải phụ trách, nhất là lĩnh vực đăng kiểm, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công…

Tạo chuyển biến tích cực, rõ nét đối với các vấn đề được chất vấn ảnh 2

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. (Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG)

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội

Tại phiên chất vấn, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 năm 2023. Ðồng chí Lê Minh Khái trân trọng cảm ơn đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước đã cơ bản đồng tình và có nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm về các đề án luật, báo cáo của Chính phủ. Nội dung báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội và hầu hết các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao những thành quả trong việc kiểm soát dịch Covid-19, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn cũng như chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Ðồng thời, các ý kiến cũng đề cập những hạn chế, bất cập trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu để tập trung khắc phục và giải quyết hiệu quả hơn. Tiếp đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trả lời chất vấn của đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) về giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển an toàn, lành mạnh các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô. Vừa qua, Thủ tướng đã thành lập hai tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá những hạn chế, nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp. Vì vậy, việc phát hành, thanh toán, gia hạn, đáo hạn trái phiếu cơ bản đã ổn định, dần tháo gỡ khó khăn.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp này có 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; có 112 lượt đại biểu Quốc hội đã thực hiện quyền chất vấn; 49 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn các vấn đề, nâng tổng số lượt đại biểu tham gia chất vấn của 2 năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 831 lượt đại biểu, tiếp tục khẳng định chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nội quy kỳ họp năm 2022, nhất là các nguyên tắc về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, bảo đảm đúng thời gian quy định, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và phản ánh sát với diễn biến thực tế, đời sống và tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân và cử tri cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ

Tuy nhiên, Nhà nước phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy việc thực hiện theo các cam kết, nghĩa vụ, xử lý nghiêm sai phạm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Về thực trạng chậm giải ngân đầu tư công, Phó Thủ tướng cho biết, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2023 đạt 22,2%, mức này không chậm so với các năm trước, mà chậm so với kỳ vọng đưa vốn vào nền kinh tế để làm động lực cho sự tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thời gian tới, cần tích cực giải phóng mặt bằng, cải thiện trình tự thủ tục đầu tư, nâng cao năng lực nhà đầu tư, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân để đạt được đồng thuận trong giải phóng mặt bằng.

Ðối với những bất cập, hạn chế, tồn tại trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, công tác cổ phần hóa thực hiện không đạt yêu cầu như kế hoạch đề ra, còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Thời gian tới, căn cứ vào quy định của pháp luật, nghị quyết của Trung ương về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty, các quy định pháp luật để đánh giá lại đầy đủ, cụ thể. Trên cơ sở đó có giải pháp về kế hoạch, phương án sắp xếp, về trình tự, thủ tục, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và bảo tồn, phát triển được vốn, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế-xã hội.

Trước ý kiến cho rằng, triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam không lạc quan khi Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu do OECD khởi xướng có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, Phó Thủ tướng cho biết, tháng 6/2021, nhóm G7 đã đạt được thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, ấn định mức thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 15%. Ðến tháng 7/2021, các nước G20 đã thống nhất mức thuế tối thiểu toàn cầu.

Cơ chế cho Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đặc thù mà phải đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần cơ chế đi trước để thành phố thật sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới. Cơ chế đó phải đủ để thành phố trở thành trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ, hoặc đủ nhưng chưa đủ chín.

Ðại biểu Dương Khắc Mai (Ðoàn Ðắk Nông)

Cuối năm 2022, 138 nước đã thống nhất về khung thuế. Về nguyên tắc, đây là thỏa thuận hợp tác quốc tế hội nhập, không bắt buộc, tuy nhiên nhiều nước đã tham gia và đã nội luật hóa, có hiệu lực thi hành trong năm 2024. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác nghiên cứu đánh giá tác động, Chính phủ sẽ trình Quốc hội những giải pháp sớm nhất trong thời gian tới nhằm bảo đảm lợi ích của quốc gia và quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của các nhà đầu tư.

Phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ nêu rõ, sau hơn hai ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, tập trung, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri và nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, qua phiên chất vấn cho thấy, các bộ đều nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh nhiều vấn đề khó, phức tạp. Các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã tham gia giải trình nghiêm túc, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề.

Diễn biến phiên chất vấn cho thấy việc lựa chọn bốn nhóm vấn đề chất vấn là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mong muốn của nhân dân và cử tri, tiếp tục phát huy tích cực tinh thần "Tận tâm-Tận lực-Tích cực-Tâm huyết-Trách nhiệm" của đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt đối với những vấn đề vừa được chất vấn.

Thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội

Buổi chiều, với tỷ lệ 91,30% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Báo cáo trước Quốc hội nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều tán thành với nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Ðồng thời thống nhất nhận định, thời gian qua, công tác giám sát đã có nhiều đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả.

Về kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội đã quyết định sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề. Gồm: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (Dự án sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1).

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Ðồng thời, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát 2 chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Tiếp đó, Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục đứt gãy các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm duy trì và tạo thêm việc làm cho người lao động. Ðồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn; báo cáo cấp có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ mới trong trường hợp cần thiết. Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 tới đây.

Chính phủ chỉ đạo tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật; trong đó trình cấp có thẩm quyền xem xét việc mở rộng thí điểm tách giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư thành dự án độc lập; tăng thẩm quyền cho địa phương trong đầu tư phát triển các dự án kết cấu hạ tầng... Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, đề xuất hoặc chủ động ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; xử lý hiệu quả vướng mắc, bất cập, nhất là đối với các dự án công nghiệp, xây dựng, thương mại, bất động sản, các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái