Chủ tịch Quốc hội dâng hương tưởng niệm tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Ngày 11/1, nhân dịp đầu năm mới 2023, chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2023) và Tết Nguyên đán Quý Mão, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn công tác của Quốc hội đến thăm, dâng hương tưởng niệm tại di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dâng hương tưởng niệm tại Đền thờ Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. (Ảnh Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dâng hương tưởng niệm tại Đền thờ Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. (Ảnh Duy Linh)

Tại đây, đồng chí Vương Đình Huệ và đoàn công tác thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng, một trong những chiến sĩ lớp đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào cách mạng vô sản Việt Nam, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đồng chí Vương Đình Huệ ghi sổ lưu niệm: “Vô cùng xúc động và tự hào thành kính dâng nén tâm hương tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Bác Tôn, Người chiến sĩ Cộng sản kiên cường, Nhà lãnh đạo cách mạng mẫu mực, Người bạn chiến đấu gần gũi và thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người con ưu tú của Tổ quốc, của An Giang giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, Người Chiến sĩ trung thành của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế! Nguyện mãi mãi đi theo con Đường của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Với 92 tuổi đời, gần 70 năm liên tục hoạt động cách mạng, 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hơn 10 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, nhân dân và bạn bè quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội dâng hương tưởng niệm tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ảnh 1

Các đại biểu dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. (Ảnh: Duy Linh)

Tên tuổi và sự nghiệp của Bác Tôn còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng dân tộc và quê hương An Giang, để lại cho thế hệ sau một di sản vô cùng quý giá về tư tưởng, đạo đức. Đó là tính chất hào sảng của người dân vùng đất Nam Bộ, ý chí quật cường, kiên trung và tinh thần yêu nước, thương dân nồng nàn của người chiến sĩ cộng sản, vị lãnh đạo kính mến của dân tộc. Dù với cương vị là Chủ tịch nước, nhưng Bác Tôn luôn sống bình dị, chân thành, hòa mình với quần chúng.

Khu lưu niệm của Chủ tịch Tôn Đức Thắng rộng khoảng 3.102m2, trong đó có Nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng với hơn 100 hình ảnh tư liệu, hiện vật quý giá về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Năm 1984, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Khu lưu niệm là Di tích lịch sử và năm 2012, Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Tại khu lưu niệm còn lưu giữ những hiện vật gắn liền cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn như: chuyên cơ YAK-40 số 452 (được Liên Xô tặng) là chuyên cơ đã đưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ Hà Nội vào Sài Gòn để dự lễ mít-tinh kỷ niệm chiến thắng 30/4/1975, tổ chức ngày 15/5/1975; ca-nô mang tên Giải Phóng do Bác Tôn sửa lại và điều khiển đưa các đồng chí lãnh đạo cách mạng rời Côn Đảo trở lại đất liền năm 1945...

Hiện nay, Khu lưu niệm Bác Tôn là nơi tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, về nguồn, là điểm sinh hoạt văn hóa-văn nghệ trong những ngày lễ lớn,điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Chủ tịch Quốc hội dâng hương tưởng niệm tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi sổ vàng lưu niệm tại Đền thờ Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. (Ảnh: Duy Linh)

Chiều qua, 10/1, tại tỉnh An Giang, Chủ tịch quốc hội tới thăm, chúc Tết cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Hữu Khánh, nguyên đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, thuộc đoàn đại biểu An Giang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang, nguyên Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh An Giang, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Hữu Khánh (Út Vũ) là cán bộ có nhiều vai đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nghề cá nước ngọt và đưa cá tra, basa Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới. Đồng chí đảm nhận các nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có thời gian khá dài ông công tác tại lực lượng vũ trang tỉnh nhà đến khi kết thúc chiến tranh.

Đáng kể nhất ở giai đoạn “chuyển đổi” từ 1985-2000, tỉnh An Giang trong giai đoạn này có những bước đi sớm thành công trong cơ chế quản lý kinh tế với nhiều đột phải bằng những biện pháp, chính sách nhất là về Nông nghiệp-Nông dân-Nông thôn... Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp phát triển vượt bậc, là tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt hơn 2 triệu tấn lương thực/năm (sớm nhất).

Đến nay (48 năm) có thể khẳng định giai đoạn này là giai đoạn An Giang phát triển mạnh nhất, rực rỡ và có uy tín rộng trong phạm vi toàn quốc, trong thành công đó của tỉnh đều có phần đóng góp khá nhiều công sức của ông Út Vũ.

Ngoài hoạt động ở tỉnh, giữ vai trò Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hữu Khánh đã tham gia nhiều ý kiến có giá trị tại các diễn đàn Quốc hội Việt Nam, trực tiếp trình bày bài “phản biện” về đề tài Catfish tại thị trường Mỹ ngày 28/11/2001 nhân sự kiện Quốc hội Việt Nam họp toàn thể nhằm thông qua, phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, trao đổi thông tin với đồng chí Nguyễn Hữu Khánh về các hoạt động của Quốc hội khóa XV, cho biết Quốc hội đã tổ chức thành công 2 kỳ họp bất thường, trong đó kỳ họp thứ nhất đã ban hành được gói tài khóa, tiền tệ phục hồi phát triển kinh tế, xã hội gần 350 nghìn tỷ đồng. Kỳ họp bất thường thứ hai cũng đã thông qua 1 luật, 3 nghị quyết quan trọng.

Dịp này, đồng chí Nguyễn Hữu Khánh đánh giá cao Quốc hội đã tổ chức 2 kỳ họp bất thường rất hiệu quả. Mỗi nhiệm kỳ đều có cải tiến từ xây dựng nghị quyết cho đến hoạt động chất vấn, giám sát, đó là những đóng góp rất tích cực. Đồng chí mong muốn Quốc hội sớm nghiên cứu, có mô hình cơ quan soạn thảo, xây dựng luật với các chuyên gia giỏi, qua đó tăng cường năng lực soạn thảo, xây dựng luật pháp, nâng cao chất lượng xây dựng luật; “tăng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, như vậy thời gian thẩm tra luật sẽ ngắn đi mà chất lượng được nâng lên”...

Chủ tịch Quốc hội dâng hương tưởng niệm tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ảnh 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà Tết cho lão thành cách mạng Nguyễn Hữu Khánh. (Ảnh: Duy Linh)

Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết của nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang dành cho Quốc hội. Chia sẻ trăn trở về công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội đã có nhiều đổi mới căn cơ trong công tác lập pháp, đã xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ với 137 nhiệm vụ lập pháp và xác định lộ trình cụ thể đối với từng nhiệm vụ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc bảo đảm chất lượng các dự luật trình Quốc hội. Cùng sự chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tăng cường năng lực cho Viện Nghiên cứu lập pháp, thành lập Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu để phản biện chuyên sâu và đưa ra quan điểm độc lập về các dự luật.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn đồng chí Nguyễn Hữu Khánh và cán bộ lão thành cách mạng tỉnh An Giang cùng cử tri và nhân dân tỉnh An Giang tiếp tục theo dõi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho Quốc hội trong thời gian tới.