Ngày 29-3, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.
Nâng cao vị thế quốc gia, đặc biệt quan tâm chăm lo sức khỏe của nhân dân
Góp ý kiến, đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) bày tỏ nhất trí cao với báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước; khẳng định nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch nước đã thực hiện có hiệu quả và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp quy định và các nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Đồng thời, với vị trí, vai trò là nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã thực hiện rất tốt vai trò đối nội và đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2016-2021, mặc dù có nhiều biến động khó khăn, thách thức, nhưng Chủ tịch nước đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng như cải cách tư pháp, chống tham nhũng, tiêu cực, quyết liệt, hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) nêu ý kiến cho biết, trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ về công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các hoạt động đối nội, đối ngoại, công tác lập pháp, hành pháp, tư pháp và lĩnh vực an ninh, quốc phòng, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trên cương vị là nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã đóng vai trò rất lớn trong việc thực hiện các hoạt động đối nội, đối ngoại trong bối cảnh tình hình cả nước, khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Chủ tịch nước đã đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng thúc đẩy sự hợp tác có hiệu quả giữa các nước và được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là vai trò Chủ tịch APEC, Chủ tịch AIPA, Chủ tịch năm ASEAN 2020,... đã để lại dấu ấn sâu sắc đối với thế giới và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh các hoạt động đối ngoại nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân cũng luôn được Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước quan tâm, góp phần tích cực vào việc tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên người dân Việt Nam trong nước và nước ngoài nâng cao ý thức tự hào dân tộc, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước.
Đặc biệt, năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và quốc tế, Chủ tịch nước đã quan tâm đặc biệt đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội. Chủ tịch nước đã ra lời kêu gọi quốc dân, đồng bào đoàn kết để chống dịch Covid-19 ngay từ khi đại dịch mới xảy ra.
“Đơn cử như đầu năm 2020 do dịch bệnh Covid-19, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, làm cho việc vận động hiến máu tình nguyện gặp nhiều khó khăn. Lượng máu cung cấp cho các bệnh viện khan hiếm và thiếu trầm trọng. Với sự tham mưu của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ký thư kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực tham gia hiến máu tình nguyện và được cả hệ thống chính trị, lực lượng công an, quân đội, các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền các địa phương tham gia tích cực”, đại biểu dẫn chứng cho biết.
Biểu tượng của niềm tin và đại đoàn kết toàn dân tộc
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho biết, nhiệm kỳ 2016-2021, cử tri và nhân dân cả nước ấn tượng về các thiết chế quyền lực của nhà nước ta từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp. Đại biểu cũng khẳng định nhiệm kỳ 2016-2021 là một nhiệm kỳ sôi nổi, nhiều đổi mới, sáng tạo, tập trung khắc phục những hạn chế của các nhiệm kỳ trước, nỗ lực vượt khủng hoảng, kiến tạo phát triển để lại nhiều dấu ấn, củng cố niềm tin đối với nhân dân và tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhấn mạnh về một số dấu ấn trong nhiệm kỳ, đại biểu cho rằng Chủ tịch nước đã thể hiện xuất sắc vai trò nguyên thủ quốc gia, thay mặt Nhà nước về đối nội và đối ngoại, là biểu tượng của niềm tin và đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ, là yếu tố quan trọng xây dựng tình cảm cách mạng, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân và toàn xã hội để cả nước đồng lòng vượt qua những khó khăn của một nhiệm kỳ nhiều giông bão và khó khăn chồng chất khó khăn. Phó Chủ tịch nước cũng đã thể hiện rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình trước Quốc hội và nhân dân”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, đại biểu Ngọ Duy Hiểu bày tỏ mong muốn Chủ tịch nước và Chính phủ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa, đồng thời đề xuất một số kiến nghị.
Thứ nhất, tập trung xây dựng thể chế, coi thể chế không chỉ là hành lang pháp lý mà trước hết là tài nguyên và nguồn lực phát triển.
Thứ hai, tiếp tục đầu tư một cách thông minh, trọng tâm, trọng điểm cho giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa và có chính sách đột phá hợp lý để phát hiện, thu hút và sử dụng nhân tài.
Thứ ba, cả dân tộc cần quyết tâm theo đuổi con đường phát triển đi đến phồn vinh và thịnh vượng bằng chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số và xã hội số.
Thứ tư, quan tâm, đối thoại với nhân dân; tập trung giải quyết đơn thư, kiến nghị các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; xử lý nghiêm cán bộ thờ ơ, vô trách nhiệm, vô cảm với nhân dân.
“Không chỉ xử lý nghiêm cán bộ làm sai mà cần phải xử lý cả cán bộ không làm, chậm làm, chỉ làm việc dễ, việc có lợi cho cá nhân hoặc nhóm lợi ích”, đại biểu nêu quan điểm.