Chủ quan với vết xước nhỏ, bệnh nhân viêm xương tủy do tụ cầu vàng

NDO - Sau thời gian đá bóng bị xước chân nhưng chủ quan, bệnh nhân nam 15 tuổi, ở Thanh Hóa đã bị mắc viêm xương tủy do tụ cầu vàng. Đây là vi khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin (tụ cầu kháng thuốc).
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, chơi thể thao thường xuyên và bị xây xước chân. Ban đầu, bệnh nhân chỉ hơi đau và khó chịu. Khi bệnh nhân không duỗi được chân ra, gia đình chỉ nghĩ giãn dây chằng nên cho cháu đi khám được các bác sĩ kê đơn thuốc về nhà điều trị. Nhưng bệnh tiến triển rất nhanh.

Sau 2 ngày bệnh nhân sưng đau nhiều hơn ở khớp gối trái, đau đến mức không chịu được, các khớp tay cũng sưng đỏ và được gia đình đưa vào nhập viện. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm mủ khớp gối trái, viêm xương tủy đầu dưới xương đùi trái.

Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt xương chết, nạo vét, rạch mủ cấy ra tụ cầu vàng, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị tiếp.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trường hợp trên là ca bệnh hiếm gặp vì bệnh nhân còn trẻ, không có bệnh lý gì trước đây mà bị nhiễm trùng nặng, viêm xương tủy do tụ cầu kháng thuốc.

"Qua bệnh nhân này cho chúng ta thấy mức độ phức tạp của nhiễm trùng. Thường tụ cầu kháng thuốc gặp nhiều ở trong môi trường bệnh viện, còn cháu học sinh này bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc ở ngoài cộng đồng - tụ cầu vàng kháng methicillin (tụ cầu kháng thuốc). Vì vậy việc điều trị các nhiễm trùng từ vi khuẩn lây nhiễm từ cộng đồng sau này có thể sẽ khó khăn hơn", bác sĩ Bắc cho hay.

Đây là ổ nhiễm trùng sâu, ở trong xương, vì vậy cần nhiều thời gian điều trị. Rất may là đến nay cháu có tiến triển tốt. Tuy nhiên, trường hợp này vẫn cần quá trình điều trị và theo dõi lâu dài, bảo đảm phục hồi tốt nhất và tránh tái phát.

Để phòng tránh các nhiễm trùng da mô mềm, nhiễm trùng xương tủy do tụ cầu vàng và các vi khuẩn khác, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Khi có các vết thương xây xát, hay các mụn mủ thì phải được xử lý vết thương đúng cách. Vệ sinh tránh nguy cơ nhiễm trùng và hình thành ổ bệnh sâu, nguy hiểm. Đặc biệt là các viêm nhiễm ổ sâu như viêm khớp, viêm xương tủy, viêm nội tâm mạc, áp xe các cơ quan...

Những trường hợp có biểu hiện sưng khớp như bệnh nhân trên phải đi tầm soát khám sớm, nếu để muộn có nguy cơ dẫn đến viêm mủ khớp, viêm xương tủy…

Tiến sĩ Đặng Thị Thúy lưu ý với người bệnh không tự ý đi mua kháng sinh để điều trị, có nguy cơ thất bại điều trị và tăng nguy cơ kháng thuốc. Những báo cáo gần đây đã chỉ ra vi khuẩn tụ cầu đã có hiện tượng kháng thuốc trong cộng đồng, các kháng sinh thông thường có thể không còn hiệu quả nữa, vì vậy người bệnh cần phải đi khám chuyên khoa để bác sĩ chẩn đoán, và điều trị phù hợp.

"Khi bị nhiễm trùng do vi khuẩn tụ cầu vàng phải điều trị dứt điểm, không để tái lại. Nếu không sẽ để lại hậu quả tương đối nặng nề với các vị trí tổn thương nặng", bác sĩ Thúy nhấn mạnh.