Ngày 26-2, tạp chí Sience công bố một nghiên cứu cho thấy, sự nóng lên đột ngột của trái đất trong thập kỷ qua mà nguyên nhân sâu xa là do các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của con người, đang được xoa dịu bởi khí mát sinh ra từ sự biến đổi tự nhiên trong hệ thống khí hậu của trái đất.
Bước sang thế kỷ 21, trái đất phải trải qua 14 trong 15 năm nóng kỷ lục, nhưng mức nhiệt loài người hứng chịu có thể đã khắc nghiệt hơn nếu không có khí mát từ đại dương. Tuy nhiên, đây chỉ là một xu hướng tạm thời của khí hậu.
Mặt khác, dù không thể dự báo chính xác những gì sẽ xảy ra trong thời gian tới, nhưng nhóm tác giả của nghiên cứu này cảnh báo, chu kỳ tự nhiên ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương có nguy cơ đảo ngược, theo đó trái đất sẽ nóng lên với tốc độ nhanh hơn.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, ông Byron A Steinman, người đứng đầu nhóm nghiên cứu nói rằng: “Vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta nên hiểu, là hệ thống khí hậu biến đổi ngẫu nhiên. Dù trái đất được làm mát trong thời gian gần đây, nhưng nếu chúng ta tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhiệt độ bề mặt trái đất sẽ tiếp tục tăng và gây ra những gánh nặng khổng lồ cho con người”.