Chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ

NDO - * Vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau đề phòng có lốc xoáy
*  Lào Cai di dời 29 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, trên khu vực giữa và nam Biển Ðông đang tồn tại nhiều đám mây dông phát triển mạnh có thể sẽ gây ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc xoáy, gió giật mạnh... Do ảnh hưởng của gió mùa tây nam, khu vực nam Biển Ðông, vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau còn có gió mạnh cấp 5, giật cấp 6 và kèm theo mưa dông mạnh; trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Các tàu thuyền hoạt động trong khu vực này cần đề phòng và theo dõi diễn biến thời tiết trên các vùng biển. Ngoài ra, do ảnh hưởng của rìa đông nam áp thấp nóng phía tây kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ tiếp tục xảy ra nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến trong khoảng 35 đến 37oC, có nơi hơn 37oC như Tương Dương (Nghệ An) 39oC, Quỳ Hợp (Nghệ An) 38oC, Tuyên Hóa (Quảng Bình) 38,1oC...

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 547/CT-TTg về công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão và TKCN năm 2011. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tổng kết rút kinh nghiệm công tác PCLB năm 2010, xây dựng phương án, nhiệm vụ năm 2011 sát với tình hình thực tế của địa phương, có tính đến những yếu tốbất thường do biến đổi khí hậu. Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, năm 2011, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Ðông có khả năng tương đương trung bình nhiều năm và xuất hiện tương tự quy luật hằng năm. Trong đó, có từ năm đến  sáu cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, nhiều hơn năm 2010.

 Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội, vi phạm Luật Ðê điều chủ yếu là: Làm nhà ở, lều quán bán hàng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, đổ rác ra lòng sông làm hệ thống tưới tiêu bị ảnh hưởng. Trong đó, trên địa bàn huyện Thanh Trì có khá nhiều điểm vi phạm. Vì vậy, cùng với việc tuyên truyền vai trò quan trọng của hệ thống đê điều trong công tác ngăn lũ và điều tiết nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, huyện tổ chức kiểm tra giải tỏa các điểm vi phạm, đồng thời chuẩn bị dụng cụ, vật tư và tăng cường hoạt động của đội tuần tra canh gác trên các điểm canh chống tái lấn chiếm và phục vụ công tác PCLB năm 2011. Dự báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá do mưa lớn có thể xảy ra, UBND tỉnh Lào Cai đã xây dựng các phương án đề phòng mọi tình huống nếu lũ bão xảy ra. Ðơn vị quản lý đường bộ đã chuẩn bị hàng nghìn rọ sắt và các phương tiện, vật tư cần thiết, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các tuyến đường trong tỉnh. Ngành bưu chính - viễn thông chủ động bảo đảm công tác thông tin liên lạc thông suốt trong mùa mưa bão. Các lực lượng quân đội, công an, y tế... chuẩn bị lực lượng sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn... Qua khảo sát phòng tránh bão lũ, sạt lở đất dọc các sông suối và khe núi, tỉnh đã phát hiện hàng trăm hộ dân thuộc diện phải di dời trong năm 2011, riêng huyện Bát Xát có 29 hộ phía thượng nguồn sông Hồng và dọc chân núi Hoàng Liên nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao phải di dời gấp. Ðến nay, huyện Bát Xát đã di dời được 22 hộ thuộc các xã Sảng Ma Sáo, Pa Cheo, Bản Xèo đến nơi an toàn. Các hộ khác sẽ di chuyển khỏi nơi ở cũ nguy hiểm trước ngày 15-6. Những hộ di dời về nơi ở mới được hỗ trợ tiền mua vật liệu san gạt mặt bằng, làm nền nhà để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Tỉnh Kon Tum yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công xây dựng phải có kế hoạch phòng, chống, bảo vệ các công trình đang trong quá trình thi công, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong mùa mưa lũ năm nay. Hiện toàn tỉnh có hơn 60 điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở, ngập lụt... ở chín huyện, thành phố. Tỉnh đã chuẩn bị 140 nhà bạt, 900 phao tròn và áo phao các loại, sáu ca-nô, cắm hàng chục biển cảnh báo lũ quét và sạt lở đất theo mùa, theo cấp độ mưa ở năm xã trọng điểm. UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các huyện bảo đảm an toàn các công trình trọng điểm như hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La, hồ suối Nước Trong, và hệ thống tưới tiêu, vùng ven sông Vàm Cỏ Ðông, ven sông Sài Gòn... Các hồ cần được kiểm tra thường xuyên, có phương án, kế hoạch toàn diện để đối phó kịp thời khi xảy ra thiên tai. Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng có kế hoạch điều tiết nước tưới, tiêu hợp lý, tiết kiệm, bảo đảm tích đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trong vùng.

Tỉnh Tiền Giang xác định nhiệm vụ PCLB năm 2011 với phương châm lấy chủ động phòng và tránh là chính, đồng thời nâng cao hiệu lực công tác khắc phục hậu quả, bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản nhân dân; giúp bà con sớm ổn định sản xuất, đời sống. Tỉnh thành lập sáu đội cấp cứu lưu động, ba đội phòng, chống dịch và vệ sinh môi trường cấp tỉnh, 16 tổ cấp cứu lưu động và 20 tổ phòng, chống dịch bệnh tại các huyện nhằm sẵn sàng ứng phó nhanh, hiệu quả khi có sự cố thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Năm 2011, tỉnh đầu tư hơn 20 tỷ đồng phục vụ công tác PCLB trên địa bàn. Tỉnh Cà Mau vừa tiến hành nâng cấp, cải tạo một đoạn đê Biển Tây nằm trên địa bàn huyện U Minh, với tổng vốn đầu tư khoảng 12 triệu ơ-rô. Ðoạn đê biển trên dài tám km, từ cửa biển Hương Mai, xã Khánh Tiến đến cửa biển Khánh Hội, xã Khánh Hội (U Minh) đang trong tình trạng xuống cấp, sạt lở nặng sẽ được đầu tư nâng cấp, xây dựng bờ kè ngăn sóng, chống xói lở. Ðồng thời, có giải pháp khôi phục rừng phòng hộ ven biển, giải tỏa các nhà xây dựng trái phép trên rừng phòng hộ và hành lang bảo vệ đê biển, cắm mốc chỉ giới cho dân biết nhằm giảm áp lực chặt phá cây rừng và bảo vệ an toàn cho cư dân trong mùa mưa bão.

 

Cà Mau hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản vùng bị thiên tai, dịch bệnh

UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành quy định về hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh. Theo đó, diện tích gieo trồng bị thiệt hại  từ 30 đến 70%, đối với lúa hỗ trợ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/ha; ngô và rau màu các loại 500 nghìn đồng đến một triệu đồng/ha; cây công nghiệp từ một đến hai  triệu đồng/ha. Ðối với vật nuôi, gia cầm dưới mười ngày tuổi, hỗ trợ 8.000 đồng/con giống;

từ 0,5 kg trở lên 15 nghìn đồng/con giống; gia súc, lợn 500 nghìn đồng/con giống, trâu, bò, ngựa hai triệu đồng/con giống, hươu, nai, cừu, dê hỗ trợ một triệu đồng/con giống...