Chủ động ứng phó với diễn biến bất thường do mưa lũ

Chiều 25-7, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp khẩn, ứng phó với diễn biến mưa lũ phức tạp trong thời gian tới. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Thủy lợi, khẩn trương tổ chức rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó nhất là với 83 hồ chứa xung yếu.

Cây cầu bắc qua mương được người dân bản Ðỏn Chám, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An dựng tạm sau mưa lũ. Ảnh: HỒ PHƯƠNG
Cây cầu bắc qua mương được người dân bản Ðỏn Chám, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An dựng tạm sau mưa lũ. Ảnh: HỒ PHƯƠNG

Bộ Công thương tổng kiểm tra 285 hồ thủy điện, phối hợp trong điều hòa vận hành đúng quy trình. Bộ NN và PTNT tập trung khôi phục sản xuất; trong đó, hướng dẫn người dân quy trình chăm sóc phục hồi, chuẩn bị kịch bản đề phòng mưa lũ đợt tới, cân đối giống cây trồng phục vụ chuyển đổi sản xuất. Bộ Y tế chú ý vấn đề vệ sinh môi trường, cấp nước sạch, chăm sóc sức khỏe của người dân vùng bị ngập lũ…

* Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, đến sáng 25-7 trên hệ thống đê điều các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Nam Ðịnh, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên đã xảy ra 48 sự cố sạt sụt mái đê, vỡ đê bao, rò nước chân đê,...

* UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương xử lý sự cố sạt mái đê và mất ổn định tường chắn đất tại dốc lên đê hạ lưu đê tả Hồng, xã Ðông Dư, huyện Gia Lâm. Theo dõi chặt chẽ diễn biến, tăng cường tuần tra canh gác, bảo vệ đê điều theo quy định, bảo đảm an toàn chống lũ cho hệ thống đê trong mọi tình huống có thể xảy ra.

* Tính đến chiều ngày 25-7, vẫn còn hơn 1.900 hộ dân thuộc ba xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bị ngập nước từ 0,5 m đến 2 m; hơn 1.650 ha lúa, rau màu, 598 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; gần 20 km chiều dài đoạn đê, hồ, đập bị ngập, tràn. TP Hà Nội đã tập trung lực lượng sẵn sàng ứng cứu, cung cấp kịp thời nước uống, thực phẩm, thuốc men cho người dân; lên các phương án bảo đảm vệ sinh môi trường, hỗ trợ người dân, phục hồi sản xuất, ngay sau khi nước rút. Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà 1.850 hộ dân bị thiệt hại bởi mưa lũ. Mỗi hộ nhận được một suất quà gồm đồ dùng thiết yếu như: gạo, mì tôm, lương khô, nước uống, đèn pin, nến…

* Theo Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái, đến nay đã có 50 đoàn, cơ quan tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, ủng hộ người dân vùng lũ gần 3,5 tỷ đồng. Các địa phương khác cũng quyên góp ủng hộ bà con bị lũ lụt hơn 1,5 tỷ đồng.

* Từ ngày 19 đến 21-7, Ðoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đến thăm, động viên, chia sẻ và trao số tiền 300 triệu đồng cho tỉnh Yên Bái để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ðoàn trực tiếp đến thăm, trao cho thân nhân mỗi nạn nhân bị thiệt mạng do lũ ống tại bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn mỗi người ba triệu đồng và thăm hỏi động viên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà bị sập và bị thiệt hại nặng nề trong cơn lũ vừa qua.

* Ðài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, do mưa lớn, mực nước vùng thượng lưu sông Mê Công đang lên nhanh. Lũ thượng nguồn về kết hợp kỳ triều cường nên đến ngày 31-7, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,2 m; trên sông Hậu tại trạm Châu Ðốc có khả năng lên mức 2,6 m. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, Long An.

* Ngày 25-7, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú (tỉnh An Giang) cho biết, đã có 454 ha lúa hè thu ở hai xã Phú Hội và Nhơn Hội bị ảnh hưởng bởi lũ sớm. Ngành chức năng đang tiến hành kiểm tra hệ thống đê bao, cống đập ở những nơi xung yếu có nguy cơ ngập, nhằm bảo đảm an toàn cho sản xuất nông nghiệp.

* Ngày 25-7, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) có công văn đề nghị ngành y tế các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình trạng mưa lớn, bão, lũ lụt. Ðồng thời bố trí nhân lực, bảo đảm dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị xử lý nước, môi trường, các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập; phun hóa chất diệt côn trùng và véc-tơ gây bệnh... Tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung bảo đảm nồng độ clo dư luôn đạt từ 0,3 đến 0,5 mg/lít…

Ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng vừa ký Quyết định 878/QÐ-TTg ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba. Theo đó, hằng năm các hồ Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng, Ayun Hạ, An Khê, Ka Nak, Ia M’lá, ÐăkSrông, ÐăkSrông 2, ÐăkSrông 2A, ÐăkSrông 3A, ÐăkSrông 3B phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên. Khi vận hành giảm lũ cho hạ du, phải tuân thủ theo quy định về trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả đã được cấp có thẩm quyền ban hành...

Theo Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai), sau khi nhận được thông tin sự cố đập thủy điện tại Lào, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã giao cho các cơ quan đầu ngành tính toán, đưa ra nhận định bước đầu là sự cố vỡ này ít tác động đến Việt Nam, mực nước gia tăng tối đa chỉ khoảng 5 đến 10 cm. Dự báo, sau khoảng từ 4 đến 5 ngày, lượng nước sẽ về đến thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long. Các đơn vị chức năng tiếp tục cập nhật diễn biến để có những dự báo kịp thời.