Chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ

Là một trong những địa phương thường xuyên phải gánh chịu những tác động bất thường của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, các cấp chính quyền và người dân Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp ứng phó có hiệu quả nhằm giảm bớt những thiệt hại do thiên tai gây ra. Đây cũng là một nhiệm vụ trọng yếu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững của Hà Tĩnh.
0:00 / 0:00
0:00
Bước vào mùa mưa bão, người dân xã Cẩm Nhượng yên tâm sau khi kè biển Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được sửa chữa.
Bước vào mùa mưa bão, người dân xã Cẩm Nhượng yên tâm sau khi kè biển Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được sửa chữa.

Cùng với việc xây dựng phê duyệt phương án cụ thể, sát với thực tế, phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương, tỉnh Hà Tĩnh còn ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Chủ động ứng phó tình huống xấu

Năm nay bà Hoàng Thị Lý ở thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã bước sang tuổi 70. Hàng chục năm qua, bà Lý bươn chải cùng nghề sông nước và đối diện với nỗi lo “Tháng sáu nam dòn/Tháng bảy mưa bãi/Tháng tám mưa giông/Tháng chín mưa ròng/Tháng mười lụt lớn…”. Bà kể: Xã Quang Vĩnh nằm ngoài đê La Giang, nơi tiếp giáp giữa sông Cả, sông La và sông Lam. Mỗi khi mùa mưa lũ đến, nước từ thượng nguồn đổ về, đồng ruộng, nhà cửa ngập trắng xóa, các khu vực dân cư bị chia cắt hoàn toàn.

Khu vực “ngã ba sông” ở xã Quang Vĩnh là nơi nước lên nhanh và ngập sâu nhất. Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đời sống của người dân trong mùa mưa lũ cũng gặp nhiều khó khăn. “Từ năm 2021, mọi việc đã khác. Sau khi tỉnh Hà Tĩnh huy động nguồn lực, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với tránh trú bão và 24 căn nhà liền kề, cuộc sống của người dân mùa mưa lũ đã đỡ vất vả và an toàn hơn nhiều. Mỗi khi lũ về, chúng tôi được đội xung kích của thôn đến hỗ trợ di chuyển đi tránh lũ an toàn ở nhà văn hóa cộng đồng” - bà Lý cho biết thêm.

Theo Trưởng thôn Tiền Phong (xã Quang Vĩnh) Nguyễn Trường Sinh, mặc dù cấp ủy, chính quyền và người dân luôn chủ động các phương án để ứng phó với mưa lũ, tuy nhiên do tác động của biến đổi khí hậu, nước lũ đổ về không theo quy luật, nên tình hình ngập lụt ngày càng phức tạp hơn. Sau khi được tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với tránh trú bão lũ với diện tích 400 m2 (tầng một phục vụ nhu cầu vui chơi sinh hoạt của cộng đồng; tầng hai gồm phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng tránh trú bão lũ, sân khấu, bếp, kho và khu vệ sinh chung); người dân đã thực sự tìm được chỗ dựa an toàn trong mùa mưa lũ. “Không chỉ là địa điểm tránh trú bão lũ an toàn, nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão còn góp phần thắt chặt tình làng, nghĩa xóm và giúp chính quyền địa phương chủ động quản lý nắm bắt tình hình người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ khi gặp lũ lớn” - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quang Vĩnh, Nguyễn Quang Việt nhấn mạnh.

Ngoài các hộ dân ở xã Quang Vĩnh (huyện Đức Thọ) được hưởng lợi từ chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với tránh trú bão lũ, đến nay tất cả hộ dân ở các khu vực trọng điểm, xung yếu, thường xảy ra thiên tai trên địa bàn Hà Tĩnh đều tìm được nơi che chắn an toàn khi tỉnh Hà Tĩnh đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để xây dựng 56 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão và gần 8.000 nhà ở kiên cố hỗ trợ bà con vùng thiên tai.

Đồng chí Hoàng Xuân Tần, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Điền Mỹ (Hương Khê) cho biết, nằm ở “rốn lũ” Hương Khê, hầu như năm nào xã Điền Mỹ cũng phải hứng chịu vài ba trận lũ lớn. Cứ bước vào mùa mưa bão, mưa bất thần đổ về, nước sông Ngàn Sâu dâng cao, bị dồn lại ở khu vực này nên toàn xã ngập sâu trong biển nước. Những hạt lúa, hạt ngô vừa gom góp chưa kịp chuyển đi cũng bị ngâm trong nước lũ.

Thấu hiểu những khó khăn của bà con, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã huy động nguồn lực, ưu tiên địa phương xây dựng khu dân cư vượt lũ cho 165 hộ gia đình, một nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với tránh trú bão và 320 nhà chòi vượt lũ, nhà phao vượt lũ… góp phần tạo dựng địa điểm an toàn cho bà con trong mùa mưa lũ. Giờ đây, mỗi khi đối diện với mưa lũ, bà con đã yên tâm, chủ động di dời vật nuôi đến khu vực cao ráo để sống chung với lũ.

Sẵn sàng “Bốn tại chỗ”

Dẫn chúng tôi thị sát tuyến kè biển Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên), Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cẩm Nhượng Nguyễn Văn Hùng vui mừng cho biết, sau nhiều năm bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng bởi tác động của thủy triều và hàng chục cơn bão lớn, đầu năm 2024, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên đã khắc phục xong các đoạn mái kè bị sụt lún, khôi phục nguyên trạng cấu kiện bê-tông, hệ thống ống buy chân kè bị sóng biển xâm thực, đánh dạt ra biển.

Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Văn Hùng, mặc dù nỗi lo về hiện trạng xuống cấp của tuyến kè biển Cửa Nhượng đã được trút bỏ, nhưng không vì thế mà chính quyền và người dân địa phương chủ quan bởi thiên tai luôn tiềm ẩn những yếu tố bất thường. Đáng chú ý, kè biển Cửa Nhượng chỉ được thiết kế đủ sức chống chọi được với bão cấp 10, triều trung bình, trong khi đó, những năm gần đây, nhiều cơn bão lớn, siêu bão thường xuyên xuất hiện.

Do đó, địa phương luôn bố trí các đội xung kích, chuẩn bị hàng trăm mét khối đá hộc, hàng trăm rọ đá, hàng nghìn bao tải sẵn sàng ứng phó, cứu kè biển lúc bão mạnh. “Trong bốn phương án phòng chống thiên tai, vấn đề di dời, bảo đảm an toàn cho người dân luôn được đặt lên hàng đầu. Theo kịch bản được phê duyệt, chúng tôi sẽ di dời 233 hộ dân ở khu vực bờ kè, vùng thấp trũng về nơi an toàn khi xuất hiện bão cấp 9, cấp 10; khi bão tăng cấp 11, hơn 1.000 hộ dân ở các thôn Phúc Hải, Xuân Nam, Hải Bắc, Hải Nam sẽ được di dời về nơi trú tránh an toàn. Trường hợp xuất hiện siêu bão, toàn bộ 2.700 hộ dân, với hơn 10.000 nhân khẩu của toàn xã Cẩm Nhượng sẽ được di dời đến các địa điểm an toàn khác ở các địa phương lân cận”, đồng chí Nguyễn Văn Hùng chia sẻ và cho biết thêm rằng, trong mọi tình huống xảy ra, xã Cẩm Nhượng luôn sẵn sàng “bốn tại chỗ” để chủ động ứng phó với thiên tai.

Thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn) từng chứng kiến trận lũ quét lịch sử xảy ra vào năm 2013 khiến một người chết, bốn ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng trăm ngôi nhà bị trôi hết đồ đạc và vật dụng trong gia đình, 350 tấn lương thực lúa, gạo bị hư hỏng, gần 2.000 hộ dân rơi vào cảnh thiếu lương thực, thực phẩm.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Kim 2 Lê Hồng Phong, rút kinh nghiệm từ trận lũ quét năm 2013, chính quyền địa phương đã chủ động thông báo cho người dân biết về tình hình mưa lớn, các sự cố có thể xảy ra do mưa lớn để bà con chủ động di chuyển ra khỏi các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất như: Đồi dốc, chân vách đá, bờ bãi thấp ven sông suối, trên đường đi của dòng chảy lũ, các chân ta-luy dễ bị sạt lở...

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng, qua rà soát địa phương hiện có 234 hộ, 822 khẩu nằm trong vùng lũ quét; 380 hộ, 910 khẩu nằm trong vùng ngập lụt và 472 hộ, 1.601 khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân trong mùa mưa bão, địa phương đã triển khai lực lượng dân quân tự vệ, xung kích kiểm tra, rà soát, chốt chặn, cắm biển cảnh báo tại các khu vực trũng thấp, sườn đồi núi, khu dân cư nằm sâu trong núi và hỗ trợ, di dời nhân dân, ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, trẻ em, người khuyết tật… đến nơi an toàn trước khi xảy ra lũ quét hoặc sạt lở đất.

Chi cục trưởng Thủy lợi Hà Tĩnh Trần Đức Thịnh thông tin, Hà Tĩnh hiện có 348 hồ chứa nước, với tổng dung tích hơn 1,57 tỷ m3 nước và có 86 đập dâng với lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/giây. Sau nhiều năm vận hành, khai thác, đến nay có hơn 130 đập, hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp cần phải nâng cấp sửa chữa. Trong đó, nguy cơ mất an toàn đang hiện hữu tại 49 đập, hồ chứa do bị hư hỏng nặng.

Để khắc phục tạm thời vấn đề này, hằng năm, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp các địa phương kiểm tra kỹ lưỡng hiện trạng hồ đập để xây dựng phương án mở rộng, hạ thấp tràn hoặc mở thêm tràn xả lũ phụ để tăng khả năng tháo lũ. Đối với những hồ chứa không bảo đảm an toàn, khuyến cáo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được tích nước hoặc chỉ tích nước ở mức phù hợp.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, ngoài những tác động của áp thấp nhiệt đới và các cơn bão lớn từ Biển Đông, do địa hình khu vực Hà Tĩnh hẹp, dốc và nghiêng từ tây sang đông nên đặc điểm lũ ở Hà Tĩnh thường lên rất nhanh, xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn, song thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhất là trong những năm gần đây lũ ngày càng có tần suất xuất hiện dày đặc. Lũ lên nhanh, nhưng xuống rất chậm gây ngập úng vùng hạ du trong thời gian dài, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội.

Vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng nắm bắt các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai có khả năng xảy ra tại địa phương và lĩnh vực quản lý; chuẩn bị kỹ lưỡng, cụ thể từng tình huống, phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động toàn dân, toàn xã hội tham gia công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong đó, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện nguyên tắc 3 sẵn sàng “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” và quán triệt phương châm “bốn tại chỗ” từ tỉnh xuống thôn, xóm.