Chủ động triển khai các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng

Ngày 27-3, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cho biết, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh là gần 16.900 ha; trong đó, huyện Tịnh Biên là địa phương với diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao nhất với hơn 2.900 ha, tiếp đến là huyện Tri Tôn với hơn 1.800 ha. Để công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đạt hiệu quả, Ban quản lý đã tiến hành kiểm tra, sửa chữa, mua sắm bổ sung các phương tiện, dụng cụ và tiến hành bố trí xuống các chốt bảo vệ rừng. Bố trí lực lượng (quân sự, công an, kiểm lâm, ban quản lý rừng, tổ hợp tác bảo vệ rừng và hợp đồng bảo vệ rừng) hơn 2.600 người sẵn sàng làm nhiệm vụ khi xảy ra cháy.

Cán bộ kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: DƯƠNG GIANG
Cán bộ kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: DƯƠNG GIANG

★ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, nắng nóng kéo dài khiến lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn đang khô hạn từng ngày. Đến nay, đã có hơn 13.500 ha dự báo cháy cấp III và hơn 3.500 ha dự báo ở cấp IV (cấp nguy hiểm). Trong đó, lâm phần Vườn quốc gia U Minh hạ, nơi có hơn 8.500 ha đang được bảo vệ nghiêm ngặt, đã có hơn 3.000 ha dự báo cháy cấp III và hơn 423 ha báo cháy cấp IV. Nếu tình hình nắng nóng tiếp tục gay gắt thì diện tích khô hạn và mức cảnh báo cháy rừng có thể tăng lên. Hiện chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mặt công tác phòng, chống cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”, đề phòng tình huống bất ngờ xảy ra để ứng phó kịp thời.
 
 ★ Do nắng nóng mấy ngày qua, nguy cơ cháy rừng trên địa bàn rất cao, tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh phối hợp ngành chức năng có liên quan, các huyện, thành phố có rừng tăng cường giải pháp cấp bách PCCCR. Theo đó, các đơn vị chủ động tổ chức lực lượng ứng trực, kịp thời phát hiện xử lý những vụ cháy rừng…
 
 ★ Tỉnh Đồng Tháp có hơn 12.000 ha rừng, chủ yếu là rừng tràm và bạch đàn. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã triển khai công tác PCCCR ở 10 đơn vị chủ rừng, tổ chức ứng trực suốt 24 giờ để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
 
 ★ Theo Sở NN và PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có hơn 33.600 ha rừng và đất lâm nghiệp. Để chuẩn bị tốt cho công tác PCCCR năm nay, Sở đã bố trí lực lượng sẵn sàng công tác PCCCR tại các địa phương với sự tham gia của hơn 5.000 người…
 
 ★ Tỉnh Hậu Giang hiện có hơn 5.876 ha diện tích đất rừng, để chủ động PCCCR trong mùa khô năm 2021, UBND tỉnh đã yêu cầu Ban Chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, cập nhật thông tin thời tiết, dự báo tình hình khô hạn đến các chủ rừng để có giải pháp ứng phó kịp thời. Khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V, các lực lượng chức năng cần siết chặt công tác kiểm tra liên ngành và duy trì chế độ ứng trực suốt 24 giờ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng.
 
 ★ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cho biết, do thời tiết nắng nóng từ nhiều ngày qua, gần 70.000 ha rừng trên địa bàn tỉnh đang ở trạng thái cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Hiện chi cục đã phối hợp các đơn vị liên quan và địa phương kiểm tra phòng, chống cháy rừng được 15 lượt trên địa bàn rừng Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, khu Du lịch quốc gia Núi Bà Đen và khu rừng ở hai huyện Châu Thành, Bến Cầu…
 
 ★ Theo Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có khoảng 200 nghìn héc-ta trong số gần 500 nghìn héc-ta rừng trong tình trạng báo động cháy cấp IV hoặc có thể đang gần đạt ngưỡng cấp V. Nắng nóng được dự báo kéo dài tới tháng 5, nguy cơ cháy rừng sẽ rất cao, hiện chi cục đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và chủ rừng khoanh vùng nhiều khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao ở các huyện: Buôn Đôn, Ea Súp và Ea H’leo với diện tích khoảng 195 nghìn héc-ta để tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ cháy có thể xảy ra…
 
 ★ Để PCCCR hữu hiệu, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi các địa phương trong tỉnh, chỉ đạo các đơn vị chủ rừng bố trí lực lượng ứng trực suốt 24 giờ, kịp thời phát hiện các đám, điểm cháy rừng và tham gia chữa cháy ngay khi phát hiện, không để bùng phát, cháy lớn. Nếu các địa phương, đơn vị chủ rừng tiếp tục để xảy ra vi phạm về quản lý bảo vệ rừng hoặc để xảy ra cháy rừng nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
 
 ★ Huyện Phù Cát (Bình Định) có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 35.548 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 16.000 ha, rừng sản xuất gần 13.000 ha, rừng trồng hơn 7.200 ha. Hiện đang là thời gian cao điểm mùa khô, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, huyện đã tăng cường nhiều biện pháp, chủ động, phòng ngừa, bảo vệ an toàn cho diện tích rừng trong cao điểm mùa nắng nóng năm nay. Bố trí lực lượng tuần tra canh gác ở những vùng rừng trọng điểm dễ cháy; chủ động phương án PCCCR…
 
 ★ Nhằm hạn chế tình trạng cháy rừng, ngành kiểm lâm Long An khuyến cáo các hộ dân đang sinh sống khu vực gần rừng thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tại các địa phương có nguy cơ cháy rừng cao, lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong công tác giữ gìn, bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm hại rừng, cố gắng không để xảy ra cháy rừng trong mùa khô năm nay.
 

 Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp phía tây cho nên trong các ngày 28 và 29-3 ở khu vực Tây Bắc thuộc Bắc Bộ và vùng núi phía tây các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất từ 350 đến 370C. Từ ngày 30-3 nắng nóng mở rộng ra toàn bộ khu vực phía tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 350 đến 380C, có nơi hơn 390C; ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ có nền nhiệt trong ngày phổ biến từ 350 đến 360C.