Chủ động sử dụng sản phẩm thay thế túi ni-lông

Với trách nhiệm của mình, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện hạn chế rác thải nhựa bằng việc đề ra các quy định cụ thể, trong đó có lộ trình hạn chế, tiến tới cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) thu gom và phân loại rác thải nhựa tại cộng đồng.
Phụ nữ trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) thu gom và phân loại rác thải nhựa tại cộng đồng.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi ni-lông nhưng chỉ 17% trong số đó được tái sử dụng và tái chế. Loại nhựa sử dụng một lần này nhanh chóng được đưa vào bãi chôn lấp, hoặc thải ra môi trường do hệ thống quản lý chất thải không phù hợp, đang trở thành vấn đề môi trường nhức nhối ở Việt Nam hiện nay.

Phó Viện trưởng Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Trung Thắng cho biết: Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm rác thải nhựa bằng việc đề ra các quy định, lộ trình nhằm hạn chế, tiến tới cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định rõ: Từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi ni-lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm.

Từ ngày 1/1/2031, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni-lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường. Đặc biệt, đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sử dụng hoàn toàn túi ni-lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni-lông khó phân hủy.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm nhựa (Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam) chia sẻ: Nhận thức về ô nhiễm nhựa của người dân, các doanh nghiệp ở nước ta đang ngày càng được nâng cao. Trên thị trường Việt Nam đã có một số đơn vị, doanh nghiệp sản xuất hoặc sử dụng các loại túi thân thiện môi trường, có khả năng phân hủy sinh học được làm từ nguyên liệu có nguồn gốc thực vật, từ nguyên liệu nhựa có bổ sung phụ gia tự hủy. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các hoạt động đa dạng nhằm giảm túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Tập đoàn TH là doanh nghiệp chuyên sản xuất sữa đầu tiên ở Việt Nam sử dụng túi từ chất liệu sinh học “xanh”, ứng dụng công nghệ hiện đại, nhằm giảm lượng nhựa trên hệ thống bao bì nhãn mác; đồng thời, đưa ra nhiều chương trình khuyến khích khách hàng sử dụng túi vải canvas nhằm hạn chế rác thải nhựa. Central Retail Việt Nam khuyến khích người tiêu dùng chủ động giảm sử dụng túi ni-lông khi đi mua sắm bằng cách mang theo túi cá nhân hoặc tái sử dụng túi thân thiện môi trường, bán túi Lohas không lợi nhuận, hỗ trợ đóng thùng giấy carton chứa hàng hóa miễn phí.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lĩnh vực môi trường nhận định, nhìn chung thị trường các sản phẩm thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần tại Việt Nam vẫn còn khá eo hẹp, do giá thành, chất lượng sản phẩm, kênh phân phối còn nhiều bất cập. Trong khi đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm thay thế còn khó tiếp cận, thiếu rõ ràng.

Do vậy, để phát triển các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần tại Việt Nam thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách tính phí sử dụng, tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nhận các sản phẩm thay thế; ban hành các quy định về hạn chế và tiến tới cấm sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần theo lộ trình Chính phủ đã đặt ra. Trước mắt, chính sách này có thể từ các biện pháp tự nguyện như các đơn vị bán lẻ, khách sạn, nhà hàng lựa chọn cắt giảm sử dụng nhựa trong cơ sở của mình, trước khi chuyển sang thành quy định mang tính bắt buộc.

Ngoài ra các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các nhà sản xuất sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường (thuế, vốn, chính sách về đất đai…); cung cấp các khoản tín dụng và ưu đãi thuế cho các công ty áp dụng phương pháp sản xuất bền vững, chuyển sang sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, đầu tư vào các sản phẩm bền vững, hoặc tham gia sản xuất và bán lẻ các sản phẩm thay thế bền vững.

Mặt khác, khuyến khích người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng, thông qua các chương trình hành động tự nguyện, hướng đến đối tượng doanh nghiệp; khuyến khích các siêu thị, cửa hàng dừng cho, tặng miễn phí sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy, tự nguyện áp dụng các biện pháp thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng; tiếp tục huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội nhằm thúc đẩy các sản phẩm thay thế và hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại cộng đồng dân cư trên cả nước.