Vào mùa mưa, khu vực các huyện miền núi biên giới của tỉnh Quảng Ninh thường có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, vỡ đê, sập đổ công trình. Là đơn vị đứng chân trên địa bàn, Trung đoàn 43 tăng cường tổ chức báo động luyện tập phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Thiếu tá Lê Văn Nam, Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 43, cho biết: “Trung đoàn chỉ đạo các đơn vị báo động hằng tuần và tăng cường báo động vào thời điểm thường xuyên xuất hiện mưa lớn, qua đó nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy hiệp đồng cho đội ngũ cán bộ, rèn luyện khả năng cơ động của bộ đội; bảo đảm đơn vị đi đúng, đến đủ, có mặt tại hiện trường sớm nhất để xử trí tình huống”.
Tại buổi báo động luyện tập tham gia làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 43), sau tiếng kẻng dồn dập vang lên, chỉ trong thời gian ngắn, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn với đầy đủ quân tư trang cá nhân, các phương tiện cuốc, xẻng tập trung đông đủ tại sân bóng để nhận nhiệm vụ. Thiếu tá Trần Văn Huấn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 cho biết: “Báo động là biện pháp giúp chỉ huy các cấp kiểm tra, bổ sung các loại trang bị, dự trữ vật chất hậu cần còn thiếu; đồng thời qua đây nâng cao ý thức, tinh thần sẵn sàng ứng phó thiên tai cho bộ đội, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có tình huống”.
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính”, hằng năm, trên cơ sở nhiệm vụ của Quân khu 3 giao, Trung đoàn 43 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động làm mới, bổ sung nguồn dự trữ vật chất hậu cần, bảo đảm các loại trang bị cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai đúng, đủ theo quy định. Các cơ quan, đơn vị trong Trung đoàn tiến hành khảo sát, đánh giá thực tế tình hình địa bàn, dự báo những khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, từ đó xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó, khắc phục hậu quả sát thực tiễn.
Trung tá Nguyễn Ngọc Cường, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 43 chia sẻ: “Trong kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của Trung đoàn cùng các đơn vị đều xác định rõ lực lượng, phương tiện tham gia, đường cơ động, vị trí tập kết và đơn vị phối hợp hiệp đồng... Bên cạnh đó, Trung đoàn còn thường xuyên tổ chức luyện tập, diễn tập ứng phó thiên tai gắn với điều kiện thời tiết mưa gió để rèn luyện, nâng cao khả năng cơ động cho cán bộ, chiến sĩ sát thực tiễn. Điều này bảo đảm cho Trung đoàn luôn có mặt sớm nhất tại hiện trường, xử trí kịp thời, tình huống xảy ra”.
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cầu tại chỗ, các đơn vị thuộc Trung đoàn 43 luôn chủ động phối hợp, hiệp đồng cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang tổ chức luyện tập các phương án sơ tán khẩn cấp người dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm.
Trung tá Đinh Đức Vinh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 43 nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình cho nên yêu cầu các cơ quan, đơn vị bảo đảm 100% quân số, phương tiện tham gia trực trong thời điểm thường xuyên xảy ra mưa bão.
Các đơn vị duy trì chặt chẽ chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực thông tin, tuần tra, canh gác; thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng trên địa bàn như bộ đội biên phòng, công an để nắm tình hình, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân khi có tình huống xảy ra”.
Tinh thần chủ động của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 43 đối với nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình những năm qua đã góp phần giúp cuộc sống của nhân dân vùng biên cương được yên bình.