Chủ động nguồn nước cho sản xuất vụ đông xuân 2024-2025

Năm 2024, sản xuất lúa khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ dù gặp nhiều điều kiện bất lợi do nắng nóng, hạn hán kéo dài nhưng với sự linh hoạt trong bố trí lịch thời vụ cho nên kết quả vẫn đạt tốt. Ở các khu vực này, tuy diện tích giảm, năng suất, sản lượng lại đều tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú, huyện Tây Hòa (Phú Yên) tập trung thu hoạch lúa hè thu. (Ảnh NGỌC HÂN)
Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú, huyện Tây Hòa (Phú Yên) tập trung thu hoạch lúa hè thu. (Ảnh NGỌC HÂN)

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2024, sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây lúa ở các địa phương Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi khi nắng nóng và hạn hán kéo dài, mưa đến muộn dẫn đến tình trạng thiếu nước sản xuất ở khắp nơi ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Theo thống kê, trong năm có 2.902 ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới, trong đó 365 ha tại tỉnh Phú Yên bị thiếu nước dẫn đến giảm năng suất; hạn hán cũng làm 2.495 ha lúa ở các tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk bị thiếu nước, trong đó 2.226 ha bị giảm năng suất...

Nhằm ứng phó điều kiện bất lợi về thời tiết, phương châm sản xuất an toàn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương chú trọng thực hiện. Bên cạnh tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tập trung gieo sạ theo khung lịch thời vụ khuyến cáo để giảm nhẹ thiệt hại. Chính vì vậy, ở một số nơi, lúa đã thu hoạch xong trước khi gặp hạn hán và nắng nóng kéo dài.

Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết: “Sản xuất lúa cả năm 2024 ở các khu vực này ước đạt 1,030 triệu ha, giảm 3,8 nghìn ha, năng suất đạt 60,48 tạ/ha, tăng 0,37 tạ/ha và sản lượng ước 6,229 triệu tấn, tăng 15,6 nghìn tấn so với năm 2023”. Trong năm 2024, ở nhiều địa phương, các cơ quan chức năng đã xây dựng mô hình điểm trong sản xuất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình như Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện dự án xây dựng mô hình canh tác lúa theo hướng giảm chi phí đầu vào tại hai tỉnh Bình Định và Phú Yên với quy mô 150 ha. Mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa như: Sử dụng giống mới, bón phân cân đối, tưới nước và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý… Qua đánh giá, lúa trong mô hình có năng suất bình quân hơn 6,5 tấn/ha, giảm ít nhất 15% chi phí đầu vào, hiệu quả kinh tế tăng hơn 15% so với sản xuất đại trà.

Kế hoạch vụ đông xuân 2024-2025, các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ gieo trồng khoảng 401,2 nghìn ha lúa, giảm 5,7 nghìn ha; phấn đấu năng suất bình quân đạt 65,8 tạ/ha, sản lượng 2.640 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2023-2024.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung, năm 2024, trên địa bàn tỉnh gieo sạ 73.035,6 ha lúa, năng suất ước đạt 61,7 tạ/ha (tăng 2,1 tạ/ha), sản lượng ước đạt 450.805,4 tấn (tăng hơn 13,6 nghìn tấn). Trong vụ đông xuân 2024-2025, toàn tỉnh có kế hoạch gieo sạ khoảng 38.059 ha lúa, năng suất phấn đấu đạt 61,2 tạ/ha với sản lượng 232.973,6 tấn.

Để bảo đảm sản xuất, hệ thống kênh mương thủy lợi, các hồ chứa được nâng cấp, tu sửa kịp thời phục vụ tưới tiêu ổn định và hiệu quả. Hơn nữa, nhận thức của nông dân về ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật khoa học trong sản xuất ngày càng được nâng cao; nhiều nông dân đã biết sử dụng giống tốt, thực hiện đầu tư thâm canh trong sản xuất; hầu hết các địa phương và nông dân có sự chuẩn bị tốt về: Giống, làm đất, vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương nội đồng; công tác dự tính, dự báo sâu bệnh được duy trì thường xuyên, liên tục, cảnh báo kịp thời, giúp nông dân chủ động phòng trừ có hiệu quả, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.

Nhận định về nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân thời gian tới, Cục Thủy lợi cho rằng, đối với khu vực Nam Trung Bộ, nhìn chung nguồn nước cơ bản được đáp ứng. Tuy nhiên, các khu vực phụ thuộc nguồn nước từ vận hành của các hệ thống thủy điện như Vu Gia-Thu Bồn, sông Kôn, sông Ba, La Ngà có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cục bộ. Khu vực Tây Nguyên, nguy cơ hạn hán cục bộ xảy ra tại các vùng sản xuất thuộc công trình thủy lợi nhỏ phụ trách tưới và vùng ngoài công trình thủy lợi trong giai đoạn mùa khô năm 2025.

Nhằm bảo đảm nguồn nước cho sản xuất trong vụ lúa đông xuân 2024-2025, Trưởng phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu (Cục Thủy lợi) Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý các địa phương cần chủ động kiểm kê, theo dõi số lượng, chất lượng nguồn nước trong công trình thủy lợi, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt; tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn, trữ nước ngọt trong hệ thống kênh mương; đào ao trữ nước, khoan giếng, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng nguồn nước từ hệ thống sông, suối, hồ chứa và nguồn nước hồi quy trong nội đồng; bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm nguồn nước trong cả vụ sản xuất. Đồng thời, tăng cường thông tin về tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tới người dân để nâng cao nhận thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; rà soát, cập nhật quy trình vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, bảo đảm phù hợp tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo Cục Trồng trọt, các vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước cho sản xuất cần tập trung bố trí chuyển sản xuất từ ba vụ sang hai vụ hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn, mặn; áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của hạn, mặn; bố trí diện tích sản xuất không vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi. Cùng với đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đối với những vùng khả năng bị hạn hán, thiếu nước tưới sang cây trồng cạn như: Ngô, lạc, vừng, rau đậu các loại...

Tại hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2024; triển khai kế hoạch năm 2025 vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên tổ chức tại Bình Thuận vừa qua, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đề nghị các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất cho từng vụ và từng loại cây trồng bảo đảm hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần tuân thủ nghiêm kế hoạch xuống giống, nhất là vụ đông xuân 2024-2025 nhằm bảo đảm diện tích gieo sạ toàn vùng hơn 400.000 ha. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh gây hại các loài dịch hại chính, có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả; rà soát nguồn lực cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân...