Ứng phó diễn biến mưa lũ phức tạp, các địa phương ở miền trung đã huy động mọi nguồn lực chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn, có phương án xử lý linh hoạt; đồng thời, tập trung khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhất là các công trình sạt lở, gây ách tắc giao thông.
Hàng nghìn ngôi nhà ngập trong lũ
Đến 17 giờ ngày 15/10, nhiều nơi ở các huyện, thị xã, thành phố tại Thừa Thiên Huế bị ngập hơn 1m do nước sông lên cao và mưa lớn liên tục.
Do nước lũ lên bất ngờ, trong đêm 14 và sáng 15/10, các lực lượng bộ đội biên phòng, công an, quân sự đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện ứng cứu nhiều trường hợp người dân đang bị mắc kẹt trong nhà, sơ tán đến nơi an toàn. Toàn tỉnh đã di dời 3.687 hộ, 10.322 nhân khẩu. Nhờ sự chủ động, tích cực ứng phó, điều tiết giảm lũ hợp lý cho nên không thiệt hại về người.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế Đặng Văn Hòa cho biết, lượng mưa lớn trong ngày 14 kéo dài đến sáng 15/10 làm nhiều vùng thấp trũng ngập sâu, sóng biển cao, triều cường 1,7m làm chậm khả năng thoát lũ. Ước tính có gần 20 nghìn ngôi nhà bị ngập với độ sâu 0,3-0,8m tùy từng vùng và khu vực.
Khu vực tỉnh Quảng Trị trong ngày 15/10 có mưa to đến rất to, tập trung ở huyện miền núi Đakrông và huyện đồng bằng Hải Lăng. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh trực tiếp chỉ huy các lực lượng sơ tán, cho biết, nhiều xã của huyện nằm sát sông Ô Lâu cho nên bị ngập nặng.
Tại xã Hải Phong, đến 15 giờ ngày 15/10, sơ tán được 230 hộ dân. Người dân chỉ cần đến ở tại các nhà trong xóm được xây dựng cao tầng và kiên cố. Các gia đình này sẵn sàng nhường chỗ ở, nấu thêm cơm phục vụ hàng xóm láng giềng.
Tỉnh Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, nhất là khu vực miền núi phía tây tỉnh. Hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh thực hiện sơ tán 13.681 người đến các trường học 2 tầng, nhà tránh lũ cộng đồng và các ngôi nhà cao tầng trong từng khu dân cư.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán cho biết, trước mùa mưa lũ, huyện chỉ đạo các địa phương tính trước phương án sơ tán, di dời người dân khu vực thấp trũng cho nên khi nước lũ đổ về, việc sơ tán hay bảo vệ tài sản không lúng túng. Bác Nguyễn Lâm ở xã An Thủy chia sẻ, gia đình và bà con đều thường xuyên cập nhật thông tin về thiên tai, thời tiết cho nên mỗi nhà tự lo lấy cách phòng, chống lũ lụt.
Nhanh chóng khắc phục thiệt hại sau lũ
Ngay khi mưa giảm và nước rút, thành phố Đà Nẵng nhanh chóng triển khai khắc phục các thiệt hại. Các lực lượng được bố trí tại các tuyến đường, khu dân cư còn bị ngập, sạt lở để hỗ trợ người dân, tiếp tục phát huy phương châm “4 tại chỗ”. Trên địa bàn thành phố có nhiều điểm sạt lở tại núi Sơn Trà, hư hỏng đường Lê Văn Lương (quận Sơn Trà), khu vực biển Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn)...
Một số khu dân cư vùng trũng còn ngập, lực lượng chức năng chăng dây để cảnh báo người dân không lưu thông qua khu vực nguy hiểm, đồng thời triển khai khắc phục. Sáng sớm 15/10, các con của ông Nguyễn Xuân Phiên, tổ 32, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) đã có mặt để dọn dẹp giúp cha mẹ. Khu vực này bị ngập sâu khoảng 1,5m. Ông Phiên chia sẻ: “Đây là lần đầu chúng tôi chứng kiến ngập lụt cao đến như vậy. Tối qua, vợ chồng tôi cả đêm không dám ngủ”.
Tại huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), đất đá chảy tràn vào căn nhà của bà Nguyễn Thị Đào, ở thôn Nam Trung Phước (xã Lộc Trì), cùng 2 nhà dân ở tổ dân phố Hải Vân, thị trấn Lăng Cô. Tuy nhiên, người dân đã được địa phương vận động di dời, kịp thời sơ tán trước đó vì nơi đây là những điểm xung yếu, thường xuyên sạt lở đất. Cũng do ảnh hưởng của mưa lũ, 183 hành khách trên chuyến tàu SE7 Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh buộc phải dừng tại ga Huế.
Số hành khách này đang ở trên tàu và vẫn bảo đảm an toàn. Trên tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 49B và đường Hồ Chí Minh nhánh tây qua huyện A Lưới xuất hiện một số điểm ngập úng, sạt lở gây chia cắt giao thông. Ngay sau khi nước rút, lực lượng chức năng đã lập rào chắn, nghiêm cấm các phương tiện lưu thông qua các khu vực nguy hiểm, đồng thời nỗ lực để thông tuyến trở lại.
Khu vực hầm Hải Vân bị sạt lở nghiêm trọng. Theo Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, Xí nghiệp vận hành hầm khẩn trương huy động 3 máy đào lớn, 2 xúc đào liên hợp, 1 máy san, 3 xe tưới nước, 10 xe ben cùng 60 nhân sự tham gia thu dọn đất, đá, với khối lượng khoảng 60.000m3.
Trước mắt, đơn vị ưu tiên xử lý thông tuyến. Từ 6 giờ 30 phút ngày 15/10, hầm Hải Vân 2 đã được thông xe, đơn vị vận hành đã bố trí lực lượng điều tiết giao thông để xe lưu thông. Đến 13 giờ 30 phút cùng ngày, hầm Hải Vân 1 cũng được thông xe.
Các trường học tranh thủ huy động giáo viên, cán bộ dọn dẹp vệ sinh, nhanh chóng ổn định lại việc dạy và học. Từ sáng sớm, các giáo viên Trường trung học cơ sở Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê) đã đến dọn dẹp vệ sinh. Toàn bộ trường bị ngập khoảng 1m. “Trước mắt, nhà trường cùng bộ đội dọn dẹp vệ sinh, rác thải để đón học sinh trở lại trường vào thứ hai tới”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị An cho biết.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 13 hồ thủy điện, tổng công suất lắp máy là 459,3MW với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3.
Các năm trước, tổng lượng mưa tuy lớn nhưng thường kéo dài vài ngày cho nên việc điều tiết xả lũ về hạ du của các công trình thủy điện, thủy lợi tương đối dễ dàng, chủ động hơn. Riêng trận lũ này có lượng mưa rất lớn, có nơi hơn 800mm nhưng lại tập trung “trút nước” chỉ trong một ngày khiến việc điều tiết xả lũ của các công trình có phần khó khăn.
Tuy nhiên trước lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi sát sao thông tin thời tiết, lượng mưa để tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo việc vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện tăng cường xả nước để đưa về mực nước thấp đón lũ, góp phần giảm lũ cho vùng hạ du.
Tại huyện miền núi Đakrông (tỉnh Quảng Trị), Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thái Ngọc Châu cho biết, miền núi mưa lũ luôn bất ngờ cho nên huyện thường trực cảnh giác, chỉ đạo các lực lượng kịp thời sơ tán gần 300 hộ dân từ vùng thấp trũng đến nơi an toàn.
Huyện miền núi Hướng Hóa sơ tán đến nơi cao ráo hơn 200 hộ dân tại hai xã Thuận, Hướng Sơn và vùng dọc sông Sê Pôn. Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, trưa 15/10 đã có công điện khẩn về ứng phó mưa lũ. Tỉnh tổ chức sơ tán dân tránh lũ, ngập lụt hơn 14.300 hộ với hơn 53.000 nhân khẩu; di dời dân vùng xảy ra lũ ống, lũ quét hơn 2.240 hộ với hơn 8.920 nhân khẩu.
Ngay sáng 15/10, Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình mưa lũ. Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết: “Các quận, huyện sẵn sàng lương thực thực phẩm và nước sạch, kịp thời hỗ trợ các hộ dân đang cần và những hộ ở khu vực còn khả năng bị ngập sâu, không để người dân bị đói.
Các đơn vị cần làm tốt công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các trường hợp bị thiệt hại, các gia đình có người chết hoặc bị thương nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm khôi phục hoạt động sản xuất và ổn định cuộc sống”.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, quốc lộ 9B bị ngập nặng tại Km23 và 25; đường vào bản Tân Ly, xã Lâm Thủy bị ngập khoảng 8m; quốc lộ 9C bị sạt lở ở Km29, dài 30m, nhiều loại phương tiện không lưu thông được.
Các đồn biên phòng tuyến biên giới phía tây cử 94 cán bộ, chiến sĩ phối hợp chính quyền địa phương ứng phó, nhất là chốt chặn, hướng dẫn người dân qua lại tại các vị trí sạt lở, ngập lụt và di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đồn Biên phòng Làng Ho phối hợp chính quyền xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy khẩn trương sơ tán 7 hộ với 45 nhân khẩu ở bản Mít Cát, Kim Thủy bị nước lũ cô lập đến nơi an toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh cho rằng, dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai khó lường, nhất là trận mưa lớn trong những ngày tới, sẽ gây nguy cơ cao ngập úng cho vùng thấp trũng ở đồng bằng, đô thị và sạt lở vùng miền núi, gò đồi khi đất đã “no” nước.
Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai đã yêu cầu các địa phương, đơn vị trong khu vực phải chủ động trong công tác ứng phó hiệu quả, không được chủ quan, vận hành hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Các địa phương rà soát phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm cửa sông, ven biển, ven sông, suối, ngập úng đô thị nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, đợt mưa lũ vừa qua đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương. Tại QuảngTrị: 1.318 nhà bị ngập 0,3-1m, có 30 đoạn ách tắc giao thông trên các tuyến đường tỉnh lộ 571, 584, 586, 587; tại Thừa Thiên Huế: 19.918 nhà bị ngập sâu từ 0,3-0,8m; đường sắt qua Lăng Cô bị vùi lấp, cuốn trôi; các tàu SE7, SE8 dừng ở ga Huế; quốc lộ 1A, quốc lộ 49, đường Hồ Chí Minh (nhánh tây) hiện chưa lưu thông...
Tại Đà Nẵng, hiện nay nước tại các khu dân cư đã rút (thời điểm ngập lụt lớn nhất có khoảng 3.575 nhà bị ngập từ 0,4-1m).
Thiệt hại về người: 3 người chết, trong đó: Đà Nẵng: 2 người; Quảng Nam: 1 người (nguyên nhân do đuối nước).