Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc triển khai thực hiện giám sát, kiểm soát các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông... ở các địa phương đã có những chuyển biến tích cực.
Các cơ quan chức năng tập trung giám sát các cơ sở, khu vực có hoạt động sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; hướng dẫn, đôn đốc để yêu cầu chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước tập trung, bảo đảm tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 92%.
Các đơn vị quản lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý; tiếp tục triển khai, phối hợp các địa phương xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể, bảo đảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu đô thị đạt 95%; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp.
Tiến sĩ Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Năm 2023, công tác kiểm tra đã được triển khai quyết liệt với tổng số 247 cơ sở, qua đó đã xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 48 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 23 tỷ đồng.
Trong khi đó, các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, vận hành ổn định. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý tại khu vực đô thị năm 2023 ước đạt khoảng 95%, tại khu vực nông thôn ước đạt 71%, trong đó, tỷ lệ chôn lấp khoảng 64% (giảm 26% so với năm 2012); tổng lượng chất thải nhựa được thu gom, tái chế khoảng 2,4 triệu tấn.
Hiện nay có ba nhà máy đốt rác phát điện đã đi vào hoạt động tại Hà Nội, Bắc Ninh, Cần Thơ và có 15 dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện đang được triển khai xây dựng tại một số tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng các quy hoạch quản lý chất thải rắn cấp vùng và quy hoạch tại các địa phương, làm căn cứ để xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Nhiều địa phương đã lồng ghép nội dung quy hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt vào quy hoạch chung của các tỉnh, thành phố.
Bộ cũng xây dựng “Hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia”, khắc phục tình trạng dữ liệu quan trắc môi trường đang “phân mảnh”, riêng rẽ hiện nay và tối ưu được nhiều hoạt động.
Toàn bộ dữ liệu quan trắc môi trường sau khi được tiếp nhận từ các bộ, ngành và địa phương cùng với dữ liệu từ chương trình quan trắc môi trường quốc gia được xử lý, kiểm duyệt và phân tích, tổng hợp trên các nền tảng công nghệ các siêu máy tính, xử lý dữ liệu lớn với tốc độ cao, máy học, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tích hợp, từ đó công bố thông tin môi trường và dự báo, cảnh báo môi trường...
Hiện cả nước đã lắp đặt gần 2.000 trạm quan trắc tự động, trong đó có hơn 1.600 trạm đang truyền số liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường; số còn lại đang trong giai đoạn lắp đặt, vận hành thử nghiệm (tăng gấp gần hai lần so với cùng thời điểm năm 2020). Đây là hệ thống cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng cho công tác quản lý môi trường.
Ngành tài nguyên và môi trường đã kiểm soát được tới 80% vấn đề môi trường; bảo đảm xử lý đúng thời hạn gần 90% lượt kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương nhận được hằng năm.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm ở nước ta thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các địa phương… kiểm soát chặt chẽ về môi trường và hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tỷ lệ 92% số khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Ngành tài nguyên và môi trường tập trung tổ chức tốt các chương trình quan trắc chất lượng không khí, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, đặc biệt tại một số thành phố thường xuyên có chất lượng không khí kém; xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chuẩn bị được đầy đủ các điều kiện cần thiết cho các địa phương triển khai theo đúng yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020…