Chủ động kết nối giao thông liên vùng

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và Tây Ninh vừa ký kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2023-2025. Đây là hai địa phương có cửa ngõ giao thương với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đồng thời là địa bàn giáp ranh, cho nên việc ký kết hợp tác giữa hai tỉnh sẽ tạo xung lực mới cho vùng, trước mắt là việc kết nối hạ tầng giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban nhân dân hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương ký kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội.
Ủy ban nhân dân hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương ký kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội.

Bình Dương là tỉnh Đông Nam Bộ nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là cửa ngõ giao thương với Thành phố Hồ Chí Minh, có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia chạy qua như Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, đường Xuyên Á… Cũng thuộc Đông Nam Bộ, tỉnh Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Phnôm Pênh (Vương quốc Campuchia); phía tây và bắc giáp vương quốc Campuchia, phía đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

Đây là cửa ngõ giao thông đường bộ vào Campuchia và các nước ASEAN; có vị trí quan trọng, chiến lược, nằm trong trục không gian phát triển chính của vùng: trục dọc có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, trục ngang có tuyến đường Xuyên Á và Quốc lộ 22 B. Ngoài ra, Tây Ninh còn có hệ thống đường thủy nội địa tương đối hoàn chỉnh thuận tiện trong việc giao thương trao đổi hàng hóa giữa các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam và các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chính vì vị trí đặc biệt như vậy, Tây Ninh và Bình Dương đang ưu tiên kết nối hạ tầng giao thông. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân hai tỉnh đã thống nhất quy hoạch thêm hai tuyến đường và cầu bắc qua sông Sài Gòn kết nối Tây Ninh với Bình Dương (trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050). Ngay trong hai năm 2024-2025, hai tỉnh lựa chọn một dự án kết nối để khởi công. Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, hai bên đang mời gọi các doanh nghiệp nghiên cứu khảo sát, khai thác tuyến vận tải hành khách từ Tây Ninh đi Bình Dương và ngược lại.

Trước đó, hai địa phương đã tổ chức khánh thành dự án “đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và Tây Ninh”. Chiếc cầu bắc ngang sông Sài Gòn này được làm bằng bê-tông cốt thép dự ứng lực, có điểm đầu giao với đường ĐT.744 (Bình Dương) và điểm cuối đấu nối vào dự án đường Đất Sét-Bến Củi (Tây Ninh). Dự án có chiều dài tuyến là 800,39m, trong đó phần cầu dài 330,5m, phần còn lại là đường dẫn ở hai bên. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng hơn 400 tỷ đồng từ vốn ngân sách địa phương.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết: Hạ tầng kết nối Bình Dương-Tây Ninh không chỉ góp phần phát triển kinh tế-xã hội hai địa phương mà còn cả khu vực Đông Nam Bộ, rút ngắn thời gian di chuyển của các đầu mối hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, như đường Hồ Chí Minh, đường vành đai 3, vành đai 4, sân bay Long Thành, cảng Cái Mép, Thị Vải… Để tạo hiệu quả giao thông, tỉnh Tây Ninh trước đó đã khởi công dự án “Nâng cấp, mở rộng đường Đất Sét - Bến Củi” (Tây Ninh) nối dài và kết nối với đường ĐT.744 (tỉnh Bình Dương) nhằm để đồng bộ tuyến cầu đường liên kết giữa hai tỉnh.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 8.260km đường bộ, trong đó, có ba tuyến quốc lộ (do Bộ Giao thông vận tải quản lý) với tổng chiều dài khoảng 132km gồm: đường Xuyên Á (Quốc lộ 22, Quốc lộ 22B và Quốc lộ 22B kéo dài); còn lại, hệ thống đường địa phương khoảng 8.128km, trong đó, đường tỉnh quản lý có 35 tuyến, tổng chiều dài 734km; 187 tuyến đường cấp huyện, tổng chiều dài 1.020km và 450 tuyến đường trục chính đô thị, tổng chiều dài 404km; 2.127 tuyến đường xã, tổng chiều dài khoảng 3.889km và khoảng 2.000km là đường ấp, xóm, nội đồng. Ngoài ra, có hai tuyến vận tải đường thủy theo sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông với tổng chiều dài trên địa bàn tỉnh khoảng 140km, có bốn cảng thủy nội địa...

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ 9 (nhiệm kỳ 2010-2015), lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2015-2020) và lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2020-2025) đều xác định “phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông là một trong các chương trình đột phá của tỉnh”. Vì vậy, nếu hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội của địa phương và liên kết vùng.

Từ năm 2016-2022, tỉnh Tây Ninh đã triển khai 38 dự án với tổng vốn đầu tư 5.973 tỷ đồng; trong đó, tổng vốn đầu tư từ ngân sách địa phương khoảng 4.147 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 1.826 tỷ đồng.

Đến nay, nhiều dự án kết nối Bình Dương đã và đang đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư như: đường ĐT.781 từ ngã tư Tân Hưng-ngã ba Bờ Hồ kết nối tỉnh Bình Dương; đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789, đường 782-784, 794, 795. Cùng với đó, tỉnh quy hoạch xây dựng mới ba cầu kết nối Tây Ninh với Bình Dương (bao gồm: cầu Cây Me, cầu Phước Đông, cầu Thanh An), nâng tổng số cầu bắc qua sông Sài Gòn là sáu cầu.

Tại buổi lễ ký kết gần đây, Ủy ban nhân dân hai tỉnh đề xuất, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an... quy hoạch, công bố luồng đường thủy nội địa trên hồ Dầu Tiếng phục vụ nhu cầu vận tải của các địa phương và phát triển du lịch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án “Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trên luồng đường thủy nội địa quốc gia sông Sài Gòn”; nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 để bảo đảm chuẩn tắc luồng chạy tàu theo quy hoạch luồng sông Sài Gòn. Bởi các dự án này, sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông cả đường thủy lẫn cả đường bộ, giúp kết nối thông suốt với các tỉnh, thành phố trong vùng.