Chủ động các phương án thoát nước trong mùa mưa

Với dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến khó lường, nắng nóng xuất hiện nhiều hơn, kèm theo những trận mưa lớn bất thường, mưa theo vùng tập trung trong thời gian ngắn, các đơn vị chức năng của thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng kịch bản phòng chống úng ngập trong mùa mưa.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội nạo vét hệ thống thoát nước.
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội nạo vét hệ thống thoát nước.

Phố Minh Khai, đoạn chân cầu Vĩnh Tuy là địa điểm thường xuyên xảy ra úng ngập mỗi khi lượng mưa từ 50-70mm diễn ra trong thời gian một giờ. Theo đại diện Xí nghiệp Thoát nước số 3 (Công ty Thoát nước Hà Nội), nguyên nhân dẫn đến úng ngập là do vị trí úng ngập thấp hơn khu vực chung quanh khoảng 30cm, cho nên khi mưa, nước dồn về nhanh. Việc tiêu thoát nước tại đây phụ thuộc vào tuyến cống phố Minh Khai và mương Vĩnh Tuy.

Tuy nhiên, dự án cống hóa mương Vĩnh Tuy đã hoàn thành thi công, nhưng chưa bàn giao cho đơn vị quản lý, duy tu. Lượng bùn đất trong lòng cống tồn đọng lớn, đáy cống không bảo đảm độ dốc, ảnh hưởng đến việc tiêu, thoát nước.

Để khắc phục điểm ngập úng này, đơn vị đã tiến hành nạo vét bùn đất trong lòng cống; bố trí công nhân thu dọn tấm chắn, vật cản trên các miệng thu nước và vận hành kịp thời xe bơm di động mỗi khi có mưa lớn.

Nhờ đó, khả năng tiêu thoát được cải thiện đáng kể. Thời gian úng ngập và mức độ úng ngập giảm. Nhưng, để xử lý triệt để điểm úng ngập này phụ thuộc vào tiến độ dự án mở rộng đường Tam Trinh, kết hợp cống hóa đoạn hạ lưu mương Vĩnh Tuy và đầu tư các đường ống thoát nước lớn…

Thông tin về tình hình úng ngập trên địa bàn khi có mưa lớn, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, với các trận mưa có lượng nước từ 50-70mm diễn ra trong thời gian một giờ, dự kiến trên địa bàn thành phố có 11 điểm ngập úng, gồm phố Nguyễn Khuyến, Hoa Bằng, ngã tư Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành-Bát Đàn-Nhà Hỏa, phố Cao Bá Quát, Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho), Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), Nguyễn Chính, Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm, đường Hoàng Như Tiếp.

Khi xảy ra các trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa đến 100mm/giờ trở lên, gây quá tải cho hệ thống thoát nước, dự kiến trên địa bàn thành phố xuất hiện thêm 19 điểm úng ngập cục bộ, gồm: các phố Tông Đản, Đinh Tiên Hoàng, Phùng Hưng, ngã ba Cầu Giấy-Dịch Vọng, phố Mạc Thị Bưởi, Quan Nhân, Cự Lộc, Nguyễn Trãi, Phan Văn Trường, Dương Đình Nghệ, Trần Bình, Kẻ Vẽ, khu đô thị Ecohome3, Khu đô thị Resco, phố Đỗ Đức Dục, đường Nguyễn Xiển, Cổ Linh - Đàm Quang Trung, Quốc lộ 3 đoạn qua xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) và đường 23B đoạn qua thôn Cổ Điển (huyện Đông Anh).

Theo đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội, bên cạnh hệ thống thoát nước còn nhiều hạn chế, xuống cấp, một nguyên nhân dẫn đến tồn tại các điểm úng ngập do một số khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng kỹ thuật chậm được xây dựng đồng bộ theo quy hoạch.

Các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông đang triển khai có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống thoát nước như: Các gói thầu dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá; xây dựng nhà ga S12 (Lê Duẩn-Trần Hưng Đạo). Ý thức của một bộ phận người dân, cơ sở kinh doanh chưa tốt khi vẫn xả rác, xả chất cặn bã hóa học như dầu, mỡ chưa qua xử lý ra hệ thống thoát nước...

Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho biết, để chủ động công tác thoát nước, chống úng ngập mùa mưa năm 2023, đơn vị tăng cường công tác dự báo, cảnh báo.

Thực hiện duy tu, duy trì hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương, sông, hồ điều hòa. Sửa chữa, bảo dưỡng các công trình đầu mối, trạm bơm và khắc phục sự cố trên hệ thống thoát nước và triển khai ứng trực giải quyết thoát nước mùa mưa...

Đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vận hành hợp lý hệ thống thoát nước để điều tiết nước trên hệ thống giữa khu vực nội thành và ngoại thành, vừa bảo đảm tiêu thoát nước, giải quyết úng ngập, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả.