Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, tiến độ thực hiện một số công trình bị chậm, việc sạt lở tiếp tục xảy ra khi đang thi công đã ảnh hưởng đến đời sống người dân...
Sạt lở quanh năm
Liên tục những ngày qua, nhiều hộ dân ở ấp Thanh Phong, xã Tân Long Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long mất ăn mất ngủ vì tình trạng đê bao bị sạt lở. Căn nhà khá khang trang của ông Bùi Văn Tấn ở khu vực này đã xuất hiện nhiều vết nứt dài vào tận hiên nhà. Cạnh nhà ông, nhiều vết nứt cũng lấn vào bên mép đình thần Tân Long Hội. Ông Tấn cho biết: Vào ban đêm, nghe có tiếng động là mọi người tháo chạy ra ngoài vì lo sợ nhà sập.
Ông Tấn cho biết thêm, đây là lần thứ ba nơi này bị sạt lở. Nơi đây nước rất sâu và bờ sông dốc đứng. Tuy nhiên, khi thiết kế và thi công nhà chỉ đóng cọc dừa và tràm nên quá sức chịu đựng. Ngay chỗ nhà ông Tấn, có đến 15-16 sà lan đá (mỗi sà-lan từ 100 đến 150 tấn) được đổ xuống sông, nhưng hơn 1.000 tấn đá đều biến mất. Theo ông Tấn, chủ đầu tư, nhà thầu cần thay đổi phương án bằng cách xây bờ kè bê-tông sẽ chắc chắn hơn và công trình cũng sẽ hoàn thành sớm hơn.
Còn bà Võ Thanh Thủy đang đan lát thủ công tại đình thần Tân Long Hội chia sẻ: "Nhà chúng tôi cách đây vài chục mét nhưng đoạn đê bao này sạt lở nhiều lần đã buộc chúng tôi phải đi đường vòng rất xa. Nơi chúng tôi đang làm việc cũng không an toàn vì sạt lở luôn rình rập. Mong chính quyền sớm có phương án tốt hơn, chắc chắn hơn, tạo điều kiện đi lại và lưu thông hàng hóa cho người dân".
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mang Thít Nguyễn Văn Diên, tuyến đê bao sông Măng, đoạn từ phà Mang Thít đến Quốc lộ 53, dài 18,8km thuộc địa phận ba xã Chánh An, Tân An Hội, Tân Long Hội và thị trấn Cái Nhum với 773 hộ dân bị ảnh hưởng. Công trình được triển khai từ tháng 6/2019 nhưng kéo dài do trong quá trình thực hiện trên tuyến có xảy ra sạt lở 17 vị trí; trong đó, tại hai xã Tân Long Hội và Tân An Hội mỗi nơi bị sạt lở đến tám lần.
Ngoài ra trong quá trình thi công, chủ đầu tư phải điều chỉnh thiết kế, biện pháp thi công cục bộ tại một số vị trí do hiện trạng thay đổi, vướng mặt bằng… dẫn đến phải khảo sát, đánh giá, lập thủ tục điều chỉnh. Công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn do công trình có quy mô lớn, theo tuyến, có số hộ dân bị ảnh hưởng nhiều. Mãi đến tháng 5/2021, công tác giải phóng mặt bằng mới cơ bản hoàn thành nhưng vẫn còn 17 hộ chưa thống nhất. Ðến nay, còn hai hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng.
Một đoạn đê bao sông Măng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. |
Quyết liệt triển khai biện pháp công trình
Dự án đầu tư xây dựng công trình đê bao sông Măng, tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 2) có tổng chiều dài hơn 47km nằm trên địa phận các huyện Mang Thít, Tam Bình, Vũng Liêm và Trà Ôn. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.458,5 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.105 tỷ đồng, phần kinh phí còn lại từ ngân sách địa phương.
Mục tiêu của dự án nhằm kết hợp đồng bộ với các công trình hiện có góp phần chủ động ngăn lũ, triều cường, kiểm soát mặn, tiêu thoát nước, bảo vệ sản xuất vùng dự án, giảm tổn thất do biến đổi khí hậu; góp phần phát triển giao thông, bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, hiện các công trình đang được tập trung triển khai thực hiện, một số công trình đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Vốn thực hiện các dự án đều được cân đối, bố trí đáp ứng theo tiến độ thực hiện.
Tỉnh cũng đồng loạt thực hiện các công trình trọng điểm, như: Ðê bao chống ngập thành phố Vĩnh Long-khu vực sông Cái Cá; kè chống sạt lở bờ sông Long Hồ (khu vực Phường 1, Phường 5, thành phố Vĩnh Long); đê bao dọc sông Hậu tỉnh Vĩnh Long; đê bao sông Măng (giai đoạn 2); hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt xã Thanh Bình và xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm... với tổng vốn đầu tư khoảng 3.700 tỷ đồng...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nhiều giải pháp để triển khai và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ nhằm bảo đảm kế hoạch giải ngân vốn. Trọng tâm là giải quyết nhanh và dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng các dự án; chỉ đạo các chủ đầu tư nắm sát tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch triển khai cụ thể và khối lượng đạt được hằng tuần, báo cáo khó khăn, vướng mắc để lãnh đạo các cấp chỉ đạo, giải quyết kịp thời. Tỉnh đã thành lập các tổ để kiểm tra việc triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào những dự án chậm tiến độ để có chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Các dự án đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã được các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ. Gần đây, một số điểm sạt lở bờ sông Cổ Chiên và một số tuyến sông lớn của tỉnh đã ảnh hưởng đến tài sản của nhân dân. Vì vậy, việc khảo sát, đánh giá ổn định bờ sông thuộc khu vực các tuyến sông lớn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long trong từng giai đoạn sắp tới là cần thiết để làm cơ sở lập đề xuất chủ trương đầu tư các dự án. Tỉnh sẽ đề xuất các bộ, ngành liên quan hỗ trợ kỹ thuật trong bước khảo sát, đánh giá thực trạng sự ổn định bờ sông để thực hiện các bước tiếp theo cho phù hợp tình hình thực tế tại địa phương... ■