Chống buôn lậu, gian lận thương mại ở cảng biển Hải Phòng

Với vị trí là đầu mối thông thương thuận lợi cho phát triển kinh tế, Hải Phòng cũng là địa bàn có nhiều cơ hội để các đối tượng lợi dụng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu vào nước ta. Cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại ở Hải Phòng luôn cam go, phức tạp và chưa bao giờ ngừng nghỉ.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng Hải quan Hải Phòng tuần tra trên khu vực cảng biển Hải Phòng.
Lực lượng Hải quan Hải Phòng tuần tra trên khu vực cảng biển Hải Phòng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân, Hải Phòng có vị trí trọng yếu trong vùng duyên hải Bắc Bộ, là giao điểm của hai hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng với Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng và tuyến hành lang ven biển phía bắc.

Nơi đây cũng là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía bắc và là nơi hội tụ năm loại hình giao thông - một điều kiện khá thuận lợi cho lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa. Nhưng đây cũng là cơ hội để nhiều đối tượng lợi dụng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu vào nội địa. Cùng với phát triển kinh tế, thành phố luôn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi, phức tạp với nhiều thủ đoạn, phương thức mới.

Cục trưởng Quản lý thị trường Hải Phòng Trần Thành Vin, Phó Trưởng ban Thường trực Ban 389 Hải Phòng chia sẻ, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm và hàng nhập lậu tuy không công khai như trước, nhưng hoạt động tội phạm trong lĩnh vực này vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, trên các tuyến đường bộ, đường sông, đường biển.

Các sản phẩm, mặt hàng buôn lậu, gian lận thương mại qua khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng chủ yếu là: than, xăng, dầu, hàng điện tử gia dụng đã qua sử dụng, hàng tiêu dùng thiết yếu, cùng các loại hàng cấm như: ma túy, pháo nổ, ngà voi và hoạt động khai thác cát trái phép…

Tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm và hàng nhập lậu tuy không công khai như trước, nhưng hoạt động tội phạm trong lĩnh vực này vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, trên các tuyến đường bộ, đường sông, đường biển.

Cục trưởng Quản lý thị trường Hải Phòng Trần Thành Vin, Phó Trưởng ban Thường trực Ban 389 Hải Phòng

Cùng với đó là hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất trong nước và cả từ nước ngoài đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi có tổ chức, từ các kênh sản xuất đến phân phối tiêu thụ, nhất là kinh doanh online, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Chỉ tính trong chín tháng của năm 2023, các lực lượng chức năng của thành phố Hải Phòng đã phát hiện, xử lý hơn 4.100 vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, với tổng giá trị thu nộp ngân sách nhà nước gần 320 tỷ đồng. Trong đó, các lực lượng xử lý, phạt vi phạm hành chính 82 tỷ đồng, truy thu thuế 229 tỷ đồng, phát mại hàng hóa tịch thu trị giá 9 tỷ đồng...

Cũng trong chín tháng qua, các lực lượng chức năng tại Hải Phòng đã khởi tố để điều tra, xử lý hình sự 44 vụ việc, với 33 đối tượng... Hàng hóa vi phạm bị phát hiện, thu giữ đa dạng về chủng loại, gồm: gần 10 kg heroin, 18 kg ma túy tổng hợp; gần 500 tấn dầu DO, FO, dầu nhờn; hơn sáu tấn ngà voi; hơn 100 kg thuốc nổ; cùng nhiều loại quần áo, giày, dép, linh kiện máy móc, thuốc lá điện tử, bình khí cười N2O, đồ gia dụng...

Cục trưởng Hải quan Hải Phòng Nguyễn Duy Ngọc cho hay, với vai trò “người gác cửa nền kinh tế” tại khu vực cảng biển lớn nhất miền bắc, thường xuyên phải đối mặt với các loại tội phạm liên quan tới hoạt động xuất, nhập khẩu, Hải quan Hải Phòng vừa tập trung thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan với việc ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý rủi ro trên tất cả các lĩnh vực, vừa quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Đặc biệt, Hải quan Hải Phòng triển khai giám sát trực tuyến, chủ động thu thập, phân tích thông tin trên các hệ thống nghiệp vụ, hệ thống E-manifest nhằm xác định đối tượng trọng điểm trước khi hàng hóa đến cảng để có biện pháp kiểm tra, kiểm soát, giám sát phù hợp. Hải quan Hải Phòng còn vận hành hiệu quả hệ thống camera giám sát trực tuyến tại khu vực cảng, kho, bãi; thực hiện seal định vị điện tử cùng hệ thống một máy soi cố định, năm máy soi di động tại các cảng biển và máy soi hành lý tại sân bay để giám sát quá trình vận chuyển các lô hàng xuất, nhập khẩu qua địa bàn.

Trong chín tháng qua, lực lượng Hải quan Hải Phòng phát hiện 2.939 vụ, với 2.740 vụ gian lận thương mại, năm vụ vận chuyển hàng giả, 13 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, với tổng trị giá hàng hóa vi phạm lên tới gần 200 tỷ đồng. Hiện, các lực lượng chức năng đã khởi tố 12 vụ việc...

Đáng chú ý là, trong tuần đầu tháng 2/2023, lực lượng Hải quan Hải Phòng phối hợp với các lực lượng phát hiện vụ nhập lậu hơn 6,15 tấn ngà voi và các sản phẩm ngà voi được cất giấu trong các container chứa lạc, sừng bò, gỗ... đưa từ châu Phi về cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, Hải quan Hải Phòng còn phát hiện lô hàng bỉm tã có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng nhập khẩu vào Việt Nam lại dán nhãn hàng hóa thể hiện xuất xứ từ Hàn Quốc; lô hàng nhập khẩu khai là linh kiện lắp ráp ti-vi, nhưng kiểm tra thực tế có hơn 500 chiếc ti-vi không khai báo đã được dán nhãn “Made in Vietnam”...

Lực lượng Công an thành phố Hải Phòng đã xác lập nhiều chuyên án và triệt phá thành công vụ vận chuyển 50 nghìn điếu thuốc lá điện tử trị giá khoảng sáu tỷ đồng nhập lậu, vận chuyển về Hải Phòng tiêu thụ; vụ lợi dụng là nhân viên ngân hàng để làm giả 14 bộ hồ sơ để vận chuyển gần 370 triệu yên Nhật (tương đương hơn 63,5 tỷ đồng) trái phép qua biên giới; vụ Công ty vận tải quốc tế xuất nhập khẩu Đông Dương buôn lậu nhiều chủng loại hàng hóa không khai báo trị giá hơn 3 tỷ đồng; vụ tàu QN 6789 đeo biển giả vận chuyển số lượng lớn dầu DO, FO trị giá khoảng 2 tỷ đồng trên khu vực đảo Long Châu (huyện Cát Hải)... Lực lượng Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã phát hiện, xử lý 14 vụ việc liên quan đến ma túy, buôn bán hàng cấm…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân, thành phố chủ trương tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm… là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả đấu tranh và ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Qua đó, các cơ quan chức năng không chỉ hạn chế, ngăn chặn đẩy lùi nạn buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại..., mà còn là giải pháp hữu hiệu góp phần ổn định thị trường, chống thất thu ngân sách, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư, bảo vệ sản xuất trong nước, quyền và lợi ích hợp pháp, cũng như sức khỏe cho người tiêu dùng...

Trong chuyến thị sát thực tế, kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại mới đây tại khu vực cảng biển Hải Phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận định, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại vừa qua của thành phố Hải Phòng đạt kết quả tích cực, đáng khích lệ. Nhưng đó mới chỉ là một phần trong thực tế các lực lượng chức năng phát hiện được.

Các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và các loại tội phạm kinh tế hoạt động ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn, đòi hỏi thành phố Hải Phòng và các cấp, ngành liên quan tuyệt đối không lơ là, chủ quan và có các giải pháp hiệu quả. Cần có sự phối hợp chặt chẽ, thiết thực hơn giữa các cơ quan chức năng bằng những quy chế, quy định cụ thể; xây dựng các thể chế phù hợp với xu thế phát triển thực tế trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; xử lý nhanh tang vật trong các vụ việc, vụ án, vừa giải quyết vấn đề về kho bãi, vừa tránh lãng phí tài sản xã hội.