Ứng dụng khoa học kỹ thuật cho Trường Sa thêm xanh

Sau nhiều năm quân dân kiên trì ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cải tạo giống, đất, chăm sóc... màu xanh của cây lá và những vườn rau đang dần tô đậm thêm sức sống nơi đầu sóng ngọn gió trên các đảo của quần đảo Trường Sa.
0:00 / 0:00
0:00
Quân và dân đảo Song Tử Tây.
Quân và dân đảo Song Tử Tây.

Cũng chính vì thế, khẩu phần rau xanh trong bữa ăn của những người lính giữa trùng khơi bốn mùa sóng vỗ đã từng bước được bảo đảm.

Đến giờ, lượng rau xanh ngoài đảo gần như không còn phụ thuộc vào những chuyến tàu từ đất liền. Đó là nhờ những người lính đã quen vận dụng kinh nghiệm nhà nông và cả ứng dụng những kỹ thuật trong trồng trọt. Bộ đội Trường Sa có nhiều người là con em nông dân và họ đã linh hoạt, sáng tạo vận dụng rất hiệu quả kinh nghiệm nhà nông “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” để có những lứa rau thu hoạch quanh năm.

Với quân và dân trên các đảo, nguồn nước mưa rất quan trọng. Nhưng nhiều người không biết, nước mưa ngoài đại dương có chứa một lượng muối, nếu mưa thẳng xuống sẽ khiến cho rau xanh bị táp. Qua quá trình quan sát và tích lũy kinh nghiệm, cán bộ, chiến sĩ trên đảo truyền nhau “bí quyết” sử dụng nước mưa hiệu quả nhất, đó là sử dụng hồ lắng. Những hồ lắng này có thể làm bằng thùng phuy, hoặc đơn giản hơn là đào hố lót nylon. Lâu ngày, trong hồ lắng sẽ sinh ra các loại rêu, tảo, vi sinh vật trung hòa chất muối có trong nước mưa. Đây mới là nguồn nước tưới chủ yếu cho cây, nhất là các loại rau xanh ngắn hạn.

Thượng tá Trần Văn Trình, Chính trị viên đảo Sinh Tồn chia sẻ, để tăng gia có kết quả tốt, ngoài cải tạo đất, cung cấp đầy đủ phân bón thì nước ngọt tưới cây hằng ngày rất quan trọng. Căn cứ vào mùa vụ, thời tiết, chúng tôi tích trữ được lượng nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho bộ đội, nước dư thừa được tận dụng để tưới cho rau.

Để tăng gia có kết quả tốt, ngoài cải tạo đất, cung cấp đầy đủ phân bón thì nước ngọt tưới cây hằng ngày rất quan trọng. Căn cứ vào mùa vụ, thời tiết, chúng tôi tích trữ được lượng nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho bộ đội, nước dư thừa được tận dụng để tưới cho rau.

Thượng tá Trần Văn Trình, Chính trị viên đảo Sinh Tồn

Xuất phát từ yêu cầu tạo ra nhiều đất canh tác trên quần đảo Trường Sa, Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường biển (Bộ Tư lệnh hải quân) đang thực hiện đề tài “Cải tạo cát san hô thành đất để trồng cây” tại đảo Sinh Tồn. Để có đất trồng trọt, bộ đội trộn lẫn xơ dừa, mùn cưa, lá cây với cát, tạo ra đất có mùn. Nhiều loại rau đã được trồng trên nền đất này phát triển tốt hơn đất thông thường.

Thiếu tá Lê Đại Dương, Chính trị viên Cụm chiến đấu 3 cho biết: Trong khu vực tăng gia tập trung, các loại cây được trồng thử nghiệm trên nền đất cải tạo cho kết quả khá tốt, cây sinh trưởng khỏe hơn so với khu vực trồng thông thường.

Việc trồng rau cũng được các chiến sĩ điều chỉnh phù hợp địa hình từng đảo, khí hậu từng mùa. Ở các đảo có diện tích nhỏ, như Đá Thị, Cô Lin, Len Đao..., chiến sĩ chắt chiu từng nắm đất màu từ đất liền chở ra, tận dụng cả xô, chậu, thùng nhựa, chậu xi-măng, chậu composite để ươm trồng rau xanh. Các vườn rau, khu vực tăng gia được quây kín, tránh gió biển mặn. Với công sức của bộ đội, vườn rau luôn xanh tốt!

Trung sĩ Nguyễn Đình Phương, đảo Đá Thị, dẫn chúng tôi thăm vườn rau xanh quanh đảo. Ở đây có 3 vườn, tổng diện tích 78m2. Những loại cây rau “chiến lược” là cải, ngót, muống, cà tím, mồng tơi... Đảo Cô Lin cũng có 78m2 đất trồng rau, năm 2023 thu hoạch được 725 kg, bảo đảm cơ bản rau xanh cho bữa ăn của bộ đội. Hệ thống hồ lắng được sắp xếp liên hoàn từ phía ngoài vào trong vườn. Nước qua quá trình lắng muối, sẽ được tưới vào gốc cây để giữ ẩm. Việc chăm tưới vườn rau cũng đem lại niềm vui cho mỗi người lính đảo.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật cho Trường Sa thêm xanh ảnh 1

Giờ giải lao của thầy và trò Trường tiểu học Sinh Tồn dưới bóng mát của nhiều loại cây xanh.

Vườn ở các đảo nhỏ này đều được quây bạt bốn phía nhằm tránh gió, phía trên phủ nhựa trong để có đủ ánh sáng cho cây sinh trưởng. Đây có thể coi là “kết cấu tiêu chuẩn” cho vườn rau của các đảo nhỏ. Ngoài vườn rau “chiến lược”, bộ đội còn tận dụng tất cả các góc khuất gió và có nắng để trồng các loại rau gia vị... tạo ra một lượng rau xanh dồi dào bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày.

Chúng tôi cũng có dịp ghé thăm khu vực tăng gia tập trung của đảo Sinh Tồn. Với diện tích rộng hơn 500m2, được tổ chức theo 8 nhà màng, trồng nhiều chủng loại rau xanh. Thời điểm này, khu vực tăng gia tập trung có 9 loại rau xanh: Muống, cải, dền, ngót, bầu, bí... đều phát triển tốt.

Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh, Chính trị viên Cụm chiến đấu 3, là người đam mê với đề tài này cho biết: Để chống lại sự di chuyển của cát, chúng tôi trồng cây phong ba phía trước và cây bão táp phía sau, tiếp đến là các loại cây tạo độ ẩm cho đất. Khi đã giữ được cát mới tính đến tạo màu cho đất.

Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ngoài đảo, bộ đội Trường Sa đã lựa chọn giống cây phù hợp điều kiện tự nhiên, mùa gió, hướng gió. Dịp gần Tết Nguyên đán là mùa trồng rau cải, ngót rất tốt vì vừa có mưa, vừa có nắng. Từ tháng 2 trở đi là mùa bảo đảm nước, sẽ tập trung trồng rau mồng tơi, ngót, muống đất, là những giống rau có thể phát triển trên đất bạc màu, thân, rễ của chúng cũng góp phần cải tạo đất.

Vườn ươm cây xanh đảo Song Tử Tây rộng 80m2, đang ươm các giống bàng ta, phong ba, bão táp, mù u, hoa giấy... Trung úy chuyên nghiệp Trịnh Duy Quyền, phụ trách vườn ươm chia sẻ: Có hai cách ươm cây, gồm: ươm hạt và chiết cành. Khi quả bàng ta chín, rụng, bộ đội lấy về trồng, lên được 2 lá thì cho vào bao đem đi trồng.

Với 2 loại cây phong ba và bão táp, trên mỗi cây “mẹ”, anh em cạo vỏ, tạo ra nhiều “túi ươm”. Bằng kinh nghiệm, khi quan sát thấy đã đủ điều kiện sẽ cắt cành đem đi trồng... Không chỉ có cây giống trồng trên đảo, Song Tử Tây vừa “chi viện” cho đảo Đá Nam gần 1.000 cây giống các loại.

Trong hành trình 21 ngày ra thăm, chúc Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại các đảo ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi rất bất ngờ khi thấy các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn như một công viên cây xanh với những bàng vuông, phong ba... cao lớn, xanh mát mắt.

Nghị quyết của Đảng ủy Vùng 4 Hải quân về “xanh hóa Trường Sa” qua hơn một năm thực hiện đã có những kết quả bước đầu ấn tượng. Hiện hơn 80% diện tích các đảo có điều kiện phù hợp trồng cây lâu năm được phủ xanh.

Trung tá Đào Xuân Nam, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết, trước đây, đi trên đường, ánh nắng không xuyên qua được tán lá. Ngày 18/12/2021 bão số 9 quét qua đảo, làm cho 80% số cây xanh gãy đổ, bật gốc... Bão tan, những người lính đã dựng lại từng cây đổ, trồng thêm cây mới. Đặc biệt, sau bão, nước biển ngập trên đảo làm cho đất nhiễm mặn, chúng tôi phải chờ mưa xuống để rửa đất, rửa cây, sau đó chằng, chống lại.

Thật mừng, màu xanh đang phủ kín trở lại. Có được màu xanh như hôm nay là công sức của bộ đội, của người dân trên đảo và đất liền cũng mới gửi ra 22 nghìn cây giống được đưa vào vườn ươm cho quen với khí hậu, thổ nhưỡng ngoài đảo.

Nghị quyết của Đảng ủy Vùng 4 Hải quân về “xanh hóa Trường Sa” qua hơn một năm thực hiện đã có những kết quả bước đầu ấn tượng. Hiện hơn 80% diện tích các đảo có điều kiện phù hợp trồng cây lâu năm được phủ xanh. Các đầu mối đơn vị và phân đội, cụm chiến đấu quán triệt nghị quyết tới từng cá nhân. Mỗi lượt cán bộ, chiến sĩ ra công tác tại đảo sẽ trồng từ 5 đến 10 cây. Trong trường hợp đảo đã hết diện tích phù hợp trồng mới, các chiến sĩ sẽ chăm sóc cây non. Chính vì thế mà đi trên nhiều đảo, chúng tôi thường bắt gặp những túi ươm cây cao, thấp lô nhô.

Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 phụ trách đoàn công tác cho biết, việc thực hiện nghị quyết về “xanh hóa Trường Sa” được Đảng ủy đưa vào nội dung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên toàn đảo.

Rừng phi lao xanh thẫm, đầy sức sống trên đảo Sinh Tồn là minh chứng sinh động cho những nỗ lực, công sức của bộ đội thời gian qua. Các đơn vị, nhất là các phân đội đề ra chỉ tiêu mỗi tháng phải nhập vào bếp ăn bao nhiêu ki-lô-gam rau, lấy đó làm tiêu chí đánh giá và bình xét thi đua khen thưởng.

Hằng tuần, tổ thi đua của cụm sẽ đi chấm điểm thi đua về công tác chăm sóc, xuống giống, thu hoạch rồi chuyển giống cho hợp lý. Sau một tuần, cụm sẽ biểu dương những tập thể, phân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu. Từ kết quả đó sẽ đúc rút kinh nghiệm cho sự nghiệp “xanh hóa Trường Sa” ngày càng tốt hơn.

Nhờ kinh nghiệm của bộ đội truyền đạt lại, các hộ dân trên đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn đều tự cung cấp đủ rau xanh ăn quanh năm, kể cả vào những tháng mùa khô, thiếu nước. Nhiều gia đình không những đủ rau xanh mà còn thừa để bán lại cho các tàu cá đánh bắt lâu ngày trên biển.

Màu xanh trên quần đảo là minh chứng cho cuộc sống ổn định lâu dài của bộ đội và nhân dân Trường Sa, quyết tâm xây dựng huyện đảo là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.