Chợ Mây trên đỉnh Thiên Cấm Sơn

Rạng sáng, Thiên Cấm Sơn vẫn còn chìm trong mây, sương mù bao phủ. Từ các đỉnh vồ, nào su hào, nào măng rừng, nào dâu xanh, dâu vàng, nào bơ... chất đầy hai quang gánh vượt vồ đá, suối khe, rừng cây, rẫy nương dốc núi... để về Chợ Mây kịp giờ nhóm chợ. Chợ Mây trên đỉnh Thiên Cấm Sơn (huyện Tịnh Biên, An Giang) vào phiên họp.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Thiên Cấm Sơn hùng vĩ. (Ảnh Việt Anh)
Một góc Thiên Cấm Sơn hùng vĩ. (Ảnh Việt Anh)

Chẳng ai biết cái chợ ấy có tự bao giờ, chỉ biết rằng, từ khi dân cư tụ về đỉnh Thiên Cấm Sơn hùng vĩ thì chợ cóc nhỏ trong mây ấy đã ra đời. Nếu vùng Tây Bắc có chợ phiên, thì về miền Tây Nam Bộ, miệt Bảy Núi, An Giang được một lần đến với Chợ Mây Núi Cấm mới thấy hết nét đẹp đặc trưng của một chợ quê Nam Bộ trên đỉnh núi cao.

Chợ Mây lãng đãng mù sương

Được mệnh danh là nóc nhà miền Tây, quanh năm sương mù bao phủ, có cái se lạnh của Đà Lạt, cái hùng vĩ của chập chùng núi rừng Tây Bắc, nét dân dã của bà con Nam Bộ hòa quyện tụ tại Chợ Mây.

Cấm Sơn (Núi Cấm) bắt đầu vào mùa mưa. Cái nét đỏng đảnh đáng yêu của thời tiết xứ núi miền Tây tựa con gái xuân thì, dễ thương nhưng cũng buồn vui bất chợt - đang nắng lại mưa, mưa vừa ướt áo đã vội quang mây. Mới hơn 5 giờ sáng, theo hẹn với anh Việt Anh (Ban Quản lý khu du lịch Núi Cấm), tôi đã có mặt tại cổng vào. Bóng tối vẫn còn phủ đầy không gian.

Vài chiếc xe gắn máy của cư dân miền núi phóng ù ù từ đỉnh xuống triền núi, chất đầy những sản vật nào trái cây, rau củ cung ứng cho các chợ kịp phiên sáng. Núi Cấm được thiên nhiên ưu đãi thời tiết mát mẻ, nhiệt độ có khi thấp hơn đồng bằng cả chục 0C rất nhiều loại rau củ ôn đới trồng được ở nơi đây.

Ngày trước, để lên được đỉnh Thiên Cấm Sơn cao hơn 800m chỉ duy nhất bộ hành ven dòng suối Thanh Long. Vượt hàng chục nghìn bậc thang ven dòng suối mát lạnh, những quang gánh sản vật cứ vậy từ các vườn rẫy, suối ô, vồ bãi di chuyển xuống chân núi và ngược lên là những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống bà con trên đỉnh núi.

Hơn chục năm nay, khi con đường lên Núi Cấm được chính quyền mở ra, không chỉ xe gắn máy mà cả ô-tô cũng đã lên đỉnh rất dễ dàng. Chỉ non 20 phút, vượt qua những con dốc uốn lượn với mạn hữu là rìa đá, mạn tả là hun hút vực thẳm, xa xa đồng bằng ruộng lúa là đã đến đỉnh.

Hơn hai năm nay, người dân đến với Núi Cấm còn có sự lựa chọn khác là đi bằng hệ thống cáp treo hiện đại. Nhờ đó, trao đổi hàng hóa cũng dễ dàng hơn. Chính yếu tố này giúp hàng hóa ở Chợ Mây giờ đây vô cùng dồi dào, đáp ứng không chỉ cho bà con sống trên núi mà cả du khách đến với Núi Cấm.

Theo tuyến đường lên núi, những cua đèo cùi chỏ, dốc 45 độ cứ như thử thách tay lái của tài xế. Buổi sáng tĩnh mịch, con đường vẫn còn mù sương, lắc rắc những hạt mưa phùn bám kính xe khiến tầm nhìn càng thêm khó. Sau hơn 20 phút "đánh vật" với cung đường ấy, tôi cứ ngỡ mình đã vượt một nẻo đường nào đó ở vùng đất Tây Bắc xa xôi, chứ chẳng phải miệt đồng bằng sông Cửu Long cò bay thẳng cánh.

Qua khu vực hồ Thủy Liêm, đầu con dốc lên đỉnh nơi có tượng Phật Di Lặc, chúng tôi đã đến Chợ Mây. Nhìn đồng hồ đã gần 6 giờ sáng, ấy nhưng, mây vẫn phủ quanh, chợ chìm trong sương, người bán, kẻ mua chỉ lờ mờ bóng nhau, chẳng nhìn rõ mặt.

Anh Việt Anh bảo: "Chợ giờ này chưa đông đâu anh ạ. Vì bà con từ các đỉnh, vồ đang tập trung ở các điểm mua bán dọc theo tuyến dân cư rồi mới về chợ. Họ đến đó không chỉ bán mà còn mua sỉ lại của nhau để mang về trung tâm Chợ Mây bán. Chợ Mây thật sự không chỉ duy nhất tụ họp ở trung tâm, mà nằm rải rác quanh núi. Chợ nhóm họp trong mây và tan cũng trong mây cho nên cái tên Chợ Mây mới từ đó mà ra!".

Trước khi nhóm về trung tâm Chợ Mây, tầm 4 giờ 30 phút sáng, quang gánh của bà con, chủ yếu là đồng bào Khmer và dân làm rẫy núi với các loại rau củ quả như: Su hào, đọt su non, măng, bầu mướp, rau rừng, nhiều nhất là rau rừng với hơn trăm loại, cung ứng nguyên liệu làm món bánh xèo trứ danh Bảy Núi. Trái cây thì măng cụt, quả na (mãng cầu siêm), bơ, sầu riêng, dâu rừng xanh... ngoài ra còn có gà vườn, gà rừng, heo mọi, cua núi, cá suối... đổ tới các điểm như: Chùa Phật Lớn, Tượng Phật Di Lặc, Điện 13, vồ Cửu Phẩm...

Mỗi điểm nhóm tầm 20 đến 30 phút một điểm rồi tan, tùy lượng hàng và số người mua bán mỗi ngày. Về đến chợ, sau khi mua bán và trao đổi hàng hóa thì một lần nữa những quang gánh ấy sẽ tản về các đỉnh, điểm dân cư như suối Thanh Long, vồ Dầu, điện Bồ Hông, vồ Thiên Tuế... Chị Néang Chy Tha bảo: "Mình bán ở chợ mười mấy năm rồi, sáng sớm đi rẫy hái mớ rau, rồi mua thêm của nhà dân quanh núi mang về bán ở Chợ Mây. Lời lãi mỗi thứ một ít, nhưng cũng đủ nuôi cả nhà qua ngày".

Chợ Mây trên đỉnh Thiên Cấm Sơn ảnh 1
Chợ Mây bán những sản vật của đồng bào bản địa.


Điểm nhấn du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Chợ Mây ra đời từ khi người dân bắt đầu định cư trên đỉnh Núi Cấm. Ban đầu chỉ là nhúm chợ chòm hỏm, chuyên bán sản vật tươi sống được thu hái, trao đổi từ vườn rừng hay bắt cá trên suối, con heo, con gà nuôi thả vườn là chính. Có khi mớ rau rừng, trái bầu, trái mướp, trái sầu riêng, ký măng cụt, ký dâu tây xanh, dâu vàng đổi con cá, mớ cua suối, búp măng rừng, con gà vườn, ký thịt heo mọi. Có tiền mua bằng tiền, không thì đổi ngang đồng giá. Văn hóa mua bán ở Chợ Mây ngày trước là vậy. Bà con với chiếc đèn dầu bão leo lắt tụ nhau bên quang gánh, về chợ trong tiết trời mây giăng bao phủ. Chợ tan nhưng mây vẫn còn ướt đẫm những quang gánh, những manh áo các chị, các mẹ.

Về sau, đời sống ngày một phát triển, nhu cầu giao thương ngày một cao hơn, đường sá từ trên đỉnh núi xuống chân núi cũng được mở rộng cho nên Chợ Mây sầm uất, nhiều hàng quán cố định mọc lên. Những chiếc xe gắn máy gần 10 năm nay đã len lỏi khắp khu rừng, vườn đồi mang hàng hóa về chợ dễ dàng hơn. Chợ Mây giờ đây không còn họp chỉ non vài giờ trong sương sớm mà duy trì cả ngày khi lượng du khách về với Núi Cấm ngày một đông.

Gần một năm nay, chợ được Ban Quản lý khu du lịch Núi Cấm đầu tư hệ thống cổng vào, lát gạch khang trang, nhưng cái nét chân quê của Chợ Mây Núi Cấm vẫn còn đó. Chợ Mây không chỉ cung ứng hàng hóa cho bà con trên núi hằng ngày mà đã trở thành điểm tham quan thu hút du khách.

Từ khi dân cư trên núi ngày một nhiều, những điểm tham quan du lịch được đầu tư, cáp treo đã vượt mây đưa khách lên đỉnh núi, thì Chợ Mây ngày thêm xôm tụ. Hàng hóa từ miệt dưới lên núi, từ núi đổ về giao thoa. Anh Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang cho biết: "Nhà nước chỉ đầu tư sắp xếp có nơi buôn bán sạch sẽ, trật tự nhưng cái hồn, cái nét dân dã và văn hóa mua bán ở Chợ Mây của bà con mình phải cố gắng giữ lấy và phát triển. Đến với Núi Cấm, du khách không chỉ ngắm cảnh đẹp, thời tiết mát mẻ, du lịch tâm linh mà còn trải nghiệm, mua sắm, thưởng thức đặc sản, ẩm thực cả ngày lẫn đêm".

Câu chuyện về Chợ Mây không chỉ dừng lại ở họp chợ mỗi buổi sáng ban mai, mà giờ đây, với quyết tâm đưa Núi Cấm trở thành điểm níu chân du khách, những người làm du lịch đã định hướng phát triển, duy trì họp chợ cả ngày lẫn đêm. "Ban quản lý đã tổ chức một đêm nhạc sống ở quảng trường hồ Thủy Liêm. Đêm ấy, bà con ở Chợ Mây buôn bán được lắm.

Do đó, lãnh đạo đã định hướng để Chợ Mây về đêm sẽ trở thành sản phẩm du lịch mới cho du khách thưởng thức các món ăn độc đáo vùng đất Bảy Núi, được trải nghiệm đêm đến du lịch giữa đồng bằng sông nước Cửu Long", anh Việt Anh cho biết.