Theo đó, tàu hàng ASY22, kéo 23 toa, tải trọng 939 tấn đã thông qua hầm Chí Thạnh an toàn. Từ trưa nay, tất cả các đoàn tàu có thể thông qua hầm Chí Thạnh với tốc độ 5 km/giờ. Dự kiến, tàu SE9 là chuyến tàu khách đầu tiên thông qua hầm vào khoảng 14 giờ 30 phút chiều cùng ngày với gần 200 hành khách.
Trước đó, vào lúc 9 giờ 50 phút ngày 21/5, trong quá trình thi công gia cố hầm Chí Thạnh (km 1.168+700 tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh) đã xảy ra sự cố sạt lở trong hầm, cách cửa hầm phía bắc khoảng 160m.
Sự cố khiến đất, đá lấp kín bề ngang hầm, buộc phải phong tỏa đoạn đường sắt giữa hai ga La Hai (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) và ga Chí Thạnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).
Nhanh chóng khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh
Sau khi xảy ra sự cố, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, Phân ban Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực 3 và Công ty cổ phần đường sắt Phú Khánh điều động nhân lực, thiết bị hỗ trợ chủ đầu tư và nhà thầu thi công giải quyết sự cố.
Hầm đường sắt Chí Thạnh có chiều dài khoảng 325m, được xây dựng và đưa vào khai thác cách đây gần 100 năm, là 1 trong số 11 hầm đường sắt nằm trong dự án kiên cố hóa các hầm đường sắt trên cả nước đang được Bộ Giao thông Vận tải triển khai cải tạo với tổng kinh phí thực hiện khoảng 7.000 tỷ đồng. Hiện, dự án đã cải tạo, kiên cố được 9 hầm, còn 2 hầm đang khắc phục là hầm đường sắt Chí Thạnh và hầm đường sắt Bãi Gió.
Tập đoàn Đèo Cả tham gia khắc phục, xử lý sự cố hầm Chí Thạnh. |
Thi công gia cố hầm đường sắt Chí Thạnh (khu vực đèo Thị, huyện Tuy An) thuộc gói thầu số 11A, dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh-Nha Trang. Dự án do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt.
Trước những khó khăn trong việc khắc phục sạt lở bên trong hầm đường sắt Chí Thạnh, Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư) đã đề nghị Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị có nhiều kinh nghiệm thi công, xử lý các công trình hầm đường bộ có điều kiện địa chất phức tạp, đến hỗ trợ khắc phục.
Ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 cho biết: “Sau khi cân nhắc, chúng tôi đã đề nghị Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị có nhiều kinh nghiệm xử lý các tình huống về hầm và có những thiết bị đặc chủng, hiện đại vào hỗ trợ khắc phục sự cố”.
Ngành đường sắt thử tải hầm bằng tàu công trình. |
Ngay trong đêm 26/5, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động 40 nhân sự và 10 thiết bị, trong đó có 1 máy khoan hiện đại, 2 máy phun đến công trình để hỗ trợ khắc phục sự cố tại hầm đường sắt Chí Thạnh, và bố trí 1 mũi thi công chủ đạo theo hướng nam-bắc, tổ chức thay ca nhau làm việc 24/24 giờ không nghỉ.
Theo tính toán, khối lượng đất sạt lở ở hầm đường sắt Chí Thạnh khoảng gần 400m3 và phạm vi hố sụt rộng hơn nhiều so với sự cố hầm đường sắt Bãi Gió (Khánh Hòa) trước đây, nên công việc phải xử lý khắc phục lớn hơn rất nhiều.
Khẩn trương khắc phục sạt lở hầm đường sắt tại thị trấn Chí Thạnh, Phú Yên
Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả cho biết, địa chất ở hầm đường sắt Chí Thạnh là đất đá phong hóa hoàn toàn, rất dễ xảy ra sạt lở liên hoàn nếu không có biện pháp thi công phù hợp. Thêm vào đó, vị trí miệng hầm không có hướng tiếp cận bằng đường bộ nên để đưa máy móc vào vị trí thi công phải đi vòng theo đường sắt.
Theo ông Đông, khác với hầm đường bộ, hầm đường sắt có tiết diện nhỏ, chỉ khoảng 19m2. Không gian thi công hẹp trong khi khối lượng sạt lở rất lớn nên rất khó khăn cho việc giải phóng đất đá ra ngoài cũng như bố trí các mũi thi công.
Để khống chế khối sạt, Tập đoàn Đèo Cả sử dụng phương pháp neo tạo ô kết hợp phun vữa bê tông để gia cố vòm hầm, đồng thời bơm vữa lấp đầy các khoảng trống trong lòng đất do khối sạt gây ra. Phương pháp khoan đào từng phần, tiến trên đỉnh vòm hầm để thông hầm trước, sau đó đào mở rộng và hoàn thiện, gia cố.
Không gian thi công hẹp trong khi khối lượng sạt lở rất lớn nên rất khó khăn cho việc giải phóng đất đá ra ngoài cũng như bố trí các mũi thi công. |
Sự cố đã khiến giao thông đường sắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề. Để duy trì hoạt động vận tải, giảm thiểu tối đa thiệt hại và ảnh hưởng đến hành khách, trong 10 ngày xảy ra sự cố (từ ngày 21 đến 31/5), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện chuyển tải an toàn 36.235 hành khách trên 129 chuyến tàu bằng ô-tô giữa 2 ga La Hai và ga Tuy Hòa. Trong thời gian chờ chuyển tải, hành khách được phục vụ suất ăn, nước uống miễn phí.
Công tác khắc phục sự cố được ngành đường sắt thông báo và cập nhật thường xuyên tới hành khách, chủ hàng; việc tổ chức phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga chu đáo. Tuy nhiên, do tâm lý lo lắng sự cố ảnh hưởng đến lịch trình, hàng nghìn hành khách đã trả lại vé.
Về hàng hóa, do ảnh hưởng của sự cố, hàng trăm đoàn tàu hàng đã phải dừng dọc đường hoặc chờ kế hoạch tại các ga xuất phát. Mặc dù ngành đường sắt đã phải thực hiện việc chuyển tải bằng đường bộ một số đoàn tàu để bảo đảm tiến độ song do thời gian khắc phục sự cố kéo dài, nhiều chủ hàng vận chuyển hàng đông lạnh, hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng... đã hủy đơn hàng vận chuyển bằng đường sắt, gây thiệt hại lớn về trước mắt và lâu dài.
Sự cố này khiến việc thực hiện kế hoạch sản xuất năm 2024 của ngành đường sắt gặp nhiều khó khăn do trước đó, ngành cũng chịu thiệt hại nặng nề do sự cố sạt lở trong hầm Bãi Gió.