Sau khi trực tiếp kiểm tra hiện trường và nghe các đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy ghi nhận nỗ lực của ngành đường sắt, Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư dự án) đã tập trung tối đa khắc phục sạt lở.
"Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục trưởng Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án 85 và các lực lượng liên quan trực 24/24 giờ tại hiện trường. Mục tiêu là thông tàu sớm nhất nhưng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công nhân, cán bộ tham gia khắc phục sự cố. Nếu thời tiết thuận lợi, các đơn vị có thể sẽ hoàn thành khắc phục sự cố, thông tàu trong 2-3 ngày tới”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.
Các đơn vị tập trung nhân lực, phương tiện khắc phục sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh. |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, tuyến đường sắt bắc-nam đã được đưa vào khai thác từ rất lâu nên có dấu hiệu xuống cấp. Điều này đã được nhận định từ sớm và Bộ Giao thông vận tải đã lên kế hoạch sửa chữa. Thực hiện dự án nâng cấp tuyến đường sắt bắc-nam từ gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn, đến nay đã có 9/11 hầm đường sắt được cải tạo.
Khẩn trương khắc phục sạt lở hầm đường sắt tại thị trấn Chí Thạnh, Phú Yên
"Đặc điểm của đường sắt là đường đơn, vừa cải tạo vừa khai thác, do đó các đơn vị phải thi công theo trình tự chứ không thể làm đồng loạt. Hiện còn hầm Bãi Gió (Khánh Hòa) và Chí Thạnh đang cải tạo thì xảy ra sạt lở. Địa chất khu vực Phú Yên, Khánh Hòa tương đối phức tạp, kết cấu không phải đá cứng mà là đất rời rạc. Cả hai hầm đều có tuyến đường bộ chạy trên đỉnh hầm đang khai thác, lưu lượng phương tiện cao. Thời gian gần đây trên địa bàn liên tục có mưa, dẫn đến đất đá bị sạt", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đánh giá.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy (áo sẫm) trực tiếp chỉ đạo khắc phục sự cố tại hiện trường. |
Khoảng 10 giờ 15 phút ngày 21/5, khi tàu công trình đang triển khai công tác gia cố hầm Chí Thạnh trên tuyến đường sắt bắc-nam, một khối lượng đất đá sạt lở đã bất ngờ sụp xuống hầm, ước tính khoảng 30m3. Sau đó, hầm tiếp tục bị sạt lở với khối lượng lên đến 50m3.
Sự cố đã làm gián đoạn chạy tàu bắc-nam qua khu vực. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải chuyển tải hành khách đi tàu bằng ô-tô giữa 2 ga La Hai (huyện Đồng Xuân) và ga Tuy Hòa (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) để tiếp tục hành trình đi tàu.
Tại hiện trường, việc khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh đang được các đơn vị tiến hành ở cả hai phía cửa hầm nam và bắc, huy động nhân lực tinh nhuệ cùng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại cũng tới hiện trường.
Huy động nhân lực, phương tiện khắc phục sự cố hầm. |
Theo Thứ trưởng, rút kinh nghiệm từ vụ sạt lở hầm Bãi Gió tháng trước, các đơn vị liên quan đã tham khảo chuyên gia về hầm, thu hẹp chiều dài vỏ hầm cũ bị phá dỡ để nâng cấp. Do đó, dù xảy ra sạt lở do sự cố bất khả kháng nhưng người và thiết bị không bị ảnh hưởng.
Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện đơn vị đang khoan hai đầu khu vực hầm bị sạt lở, sau đó tiến hành phun bê-tông làm cứng, gia cố hầm rồi tổ chức hốt dọn đất đá bên dưới. Công việc được tiến hành khẩn trương và chưa ghi nhận thêm sự cố sạt lở mới. Điều này cho thấy sự cố sạt lở cơ bản được khống chế.