Các đơn vị ngành đường sắt đang chạy đua với thời gian, triển khai các phương án khắc phục sự cố, nhằm thông tuyến đường sắt bắc-nam sớm nhất có thể.
Thi công xuyên ngày đêm
Hạng mục gia cố hầm đường sắt Chí Thạnh thuộc gói thầu số 11A “Thi công gia cố các hạng mục công trình hầm số 1, số 2, số 3, Phủ Củ, Chí Thạnh, Vũng Rô 1, Vũng Rô 4 và Bãi Gió”. Gói thầu này thuộc dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn đường sắt Vinh-Nha Trang. Hầm đường sắt Chí Thạnh có chiều dài 325m, các đơn vị thi công gia cố còn khoảng 20m nữa sẽ hoàn thành thì xảy ra sạt lở.
Theo tính toán, khối lượng đất sạt lở của hầm đường sắt Chí Thạnh lên đến khoảng 260m3 và phạm vi hố sụt rộng hơn nhiều so với sự cố hầm đường sắt Bãi Gió (Khánh Hòa) trước đây, nên khối lượng công việc phải xử lý khắc phục lớn hơn rất nhiều. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục sự cố này nhằm thông hầm trong thời gian sớm nhất.
Những ngày qua, Cục trưởng Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh thường xuyên có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh. Đến sáng 26/5, các đơn vị liên quan hốt dọn còn khoảng
80m3 đất sạt lở trong hầm đường sắt và dự kiến thông hầm trong ngày 26 hoặc ngày 27/5 thì một lượng lớn đất đá lại tiếp tục sạt lở xuống, bịt kín một đoạn hầm. Kế hoạch dự kiến thông hầm ban đầu phải lùi lại.
Thời điểm này, sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh đã qua bảy ngày, các đơn vị thi công đã huy động hàng trăm công nhân cùng nhiều thiết bị máy móc nỗ lực làm việc, thi công xuyên ngày đêm. Ông Cảnh cho biết: Ban đầu, lượng đất đá sạt lở với khối lượng nhỏ, các đơn vị thi công dự kiến hoàn thành việc khắc phục và thông tàu qua hầm Chí Thạnh vào ngày 26/5. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, chúng tôi xác định khối lượng sạt lở bên trong hầm lớn hơn dự tính, mức độ nghiêm trọng hơn so với đánh giá ban đầu.
Thời điểm này, sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh đã qua bảy ngày, các đơn vị thi công đã huy động hàng trăm công nhân cùng nhiều thiết bị máy móc nỗ lực làm việc, thi công xuyên ngày đêm.
“Miệng hố sụt rất lớn, các đơn vị thi công ngành đường sắt phải tăng cường thêm khoan neo gia cố. Việc tăng khối lượng quá lớn so với dự kiến ban đầu nên thời gian thông tàu buộc phải lùi lại vài hôm. Hiện tại, quá trình khoan neo gặp rất nhiều chướng ngại vật, do đất đá sạt lở đè neo ghim từ trước xuống khiến mũi khoan bị vướng, phải thay đổi liên tục, rất khó kiểm soát được thời gian chính xác thông tàu”, ông Cảnh nhận định.
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, địa chất hầm đường sắt Chí Thạnh bị phong hóa lâu năm nên việc khắc phục sự cố sạt lở rất khó khăn. “Chúng tôi đã huy động khoảng 50 kỹ sư, công nhân khẩn trương khắc phục sự cố. Phương án khắc phục sạt lở hầm Chí Thạnh cũng tương tự khắc phục sự cố hầm Bãi Gió trước đây, công nhân sẽ khoan tạo neo và phun bê-tông trên vỏ hầm để tạo thành khối liên kết vững chắc, sau đó mới dọn dẹp đất đá ở phía dưới”, ông Vinh cho biết.
Đặt yêu cầu an toàn lên hàng đầu
Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh, ngày 23/5, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy dẫn đầu đã đến kiểm tra tại thực địa và chỉ đạo khắc phục sự cố. Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, các cơ quan tư vấn, chuyên gia đánh giá nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở ở hầm Bãi Gió và hầm Chí Thạnh có nhiều điểm tương đồng. Cả hai hầm có kết cấu bê-tông vỏ hầm đã xuống cấp; địa chất là đá phong hóa mạnh đến phong hóa hoàn toàn thành cát lẫn sỏi phía sau vỏ hầm. Thời điểm thi công, khu vực miền trung xảy ra mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm nước thấm sâu vào, gây phân rã liên kết đất đá, tăng áp lực lên kết cấu vỏ hầm cũ. Tại các vị trí hầm đường sắt bị sạt lở, đều có đường bộ trên đỉnh hầm, nhiều xe chở vật liệu tải trọng nặng lưu thông, tác động thêm gây sạt lở.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh có 27 hầm thuộc địa phận từ tỉnh Quảng Bình đến Khánh Hòa. Các hầm này được xây dựng và đưa vào khai thác cách đây gần 100 năm (xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1926 đến năm 1936), được thiết kế, thi công theo tiêu chuẩn và công nghệ đơn giản giai đoạn đó. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, các công trình hầm trên tuyến nói riêng là mục tiêu bom đạn tàn phá, có thời kỳ không hoạt động được. Tình trạng chung hiện nay, vỏ hầm bê-tông hoặc đá hộc xây qua thời gian dài đã bị phong hóa, nứt vỡ, thấm nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khai thác chạy tàu.
Thời gian gần đây, một số hầm trên tuyến đã từng bước được gia cố, cải tạo như: Hầm số 6, số 8 đã được sửa chữa hằng năm; hầm số 7, số 9, số 10, số 13 đã được sửa chữa năm 2003 trong dự án cải tạo hầm đường sắt khu vực đèo Hải Vân do Chính phủ Pháp tài trợ (chủ yếu là thay thế vỏ hầm cũ bị phong hóa, hư hỏng bằng vỏ hầm mới kết hợp mở rộng kích thước hầm bảo đảm khổ giới hạn). Năm 2016, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo, được cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để sửa chữa 9 hầm xung yếu. Hiện còn 12 hầm cũng đã bị xuống cấp nhưng ở mức độ nhẹ hơn, dự kiến sẽ được sửa chữa vào kỳ trung hạn tới.
Do đặc thù của đường sắt vừa thi công vừa chạy tàu và không được thi công đồng thời các công trình trong một khu gian nên thời gian thi công thực tế chỉ được khoảng 2,5 giờ/ngày (dừng tàu chỉ được 4 giờ/ngày), đến nay các đơn vị thi công mới hoàn thành 5 trong tổng số 9 hầm. Thực tế triển khai, hầu hết các hầm đều có sạt lở nhưng với quy mô nhỏ, riêng các hầm khu vực Nam Trung Bộ như hầm Bãi Gió, Chí Thạnh có địa chất phức tạp, nên sạt lở lớn hơn. Quá trình khắc phục, xử lý sự cố, quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải là đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu.
Tập đoàn Đèo Cả đưa máy móc hiện đại vào hiện trường khắc phục sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh. |
Trước hiện tượng sạt lở khó lường, Ban Quản lý dự án 85, đơn vị chủ đầu tư dự án cải tạo hầm đường sắt đã đề nghị Tập đoàn Đèo Cả hỗ trợ khắc phục sự cố. Sau khi kiểm tra hiện trường, thống nhất giải pháp với đơn vị tư vấn thiết kế và chủ đầu tư, ngay trong đêm 26/5, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động 10 thiết bị (trong đó có một máy khoan, hai máy phun) và 40 nhân sự dày dạn kinh nghiệm đến tăng cường khắc phục sự cố, phấn đấu thông hầm vào trưa 30/5. Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đơn vị bố trí một mũi thi công chủ đạo theo hướng nam-bắc, thay ca nhau làm việc liên tục 24 giờ trong ngày.
Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung huy động nhân lực, phương tiện nhanh nhất; có giải pháp sáng tạo xử lý khắc phục phù hợp thực tế; bảo đảm an toàn cho cán bộ, kỹ sư và công nhân tham gia khắc phục cũng như tính an toàn, bền vững tuyệt đối của công trình hầm sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác trở lại.