Chính thức mở tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình

NDO -

NDĐT- Sáng 6-7, tại cảng Chùa Vẽ (TP Hải Phòng), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chính thức công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình chính thức đi vào hoạt động. Đồng thời, hai con tàu đầu tiên đã làm thủ tục xuất bến, rời cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng) chở 1.450 tấn cọc bê-tông đi cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), mở đầu cho tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh- Quảng Bình.

Chính thức mở tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình

Theo đó, tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình giữa các cảng, bến thủy nội địa, cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa khối lượng lớn, nhất là hàng siêu trường, siêu trọng từ miền bắc vào miền trung - nơi đang xây dựng và hình thành các khu công nghiệp lớn.

Theo Quyết định của Bộ GTVT, tàu hoạt động trên tuyến vận tải ven biển tối thiểu mang cấp VR-SB theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT; thuyền viên làm việc trên tàu phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định; tàu phải được cơ quan có thẩm quyền tổ chức quản lý, đăng ký hành chính theo quy định.

Các thủ tục tàu vào và rời cảng biển thực hiện theo quy định của pháp luật hàng hải; thủ tục tàu vào, rời cảng, bến thủy nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa. Cục Hàng Hải Việt Nam phối hợp với các Cục Đường thủy nội địa và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức quản lý hoạt động trên tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình; chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải phối hợp với Cảng vụ Đường thủy nội địa và các cơ quan liên quan quản lý hoạt động của tàu bảo đảm an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; tổ chức và hướng dẫn công tác phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển theo quy định….

Cục Đăng kiểm Việt Nam phải hướng dẫn và thực hiện việc phân cấp tàu cho các tàu có nhu cầu chuyển đổi sang VR-SB. Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố hướng dẫn thực hiện đăng ký đối với các tàu chuyển sang VR-SB; phối hợp với Cục đường thủy nội địa VN và các cơ quan, đơn vị liên quan để bảo đảm cho tàu hoạt động an toàn theo quy định của pháp luật; tuyên truyền phổ biến các quy định có liên quan tới an toàn, an ninh, tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa hàng tháng báo cáo tình hình hoạt động vận tải ven biển và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

Việc đưa tuyến vận tải ven biển mới vào hoạt động là một giải pháp quan trọng nhằm giảm tải cho đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hàng hóa… Theo ước tính, với số lượng khoảng 100 tàu trọng tải 1.000 tấn chạy khoảng 600 lượt/tháng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải 500- 600 nghìn tấn hàng hóa. Số hàng hóa này tương đương với 20 nghìn lượt phương tiện vận tải đường bộ loại trọng tải 30 tấn/xe. Tuy thời gian vận tải ven biển dài hơn gấp khoảng 2,5-3 lần vận tải bộ, nhưng chi phí vận tải lại chỉ bằng 1/5-1/6 so với vận tải đường bộ và đặc biệt là vận tải được các hàng hóa siêu trường, siêu trọng không thể vận tải được bằng đường bộ trong tình hình hiện nay.

Ngay trong ngày công bố, hai tàu Hoàng Hải 26 và Thái Hà 28 đã được trao giấy phép rời cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng) với 1.450 tấn cọc bê-tông mỗi tàu vận chuyển đi Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Hiện, Bộ GTVT cũng giao các cơ quan cơ quan chức năng phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu thiết lập các tuyến vận tải ven biển khác trên vùng biển Việt Nam theo quy hoạch đã được phê duyệt.