Thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ

Thời gian qua, thị trường khoa học và công nghệ đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp trong nước cung cấp khoảng 25% thị phần hàng hóa khoa học và công nghệ, còn lại là hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Bắc Kạn nghiên cứu, áp dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô Invitro để nhân giống các cây trồng đặc sản.
Bắc Kạn nghiên cứu, áp dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô Invitro để nhân giống các cây trồng đặc sản.

Người tiêu dùng hàng hóa khoa học và công nghệ chủ yếu là các doanh nghiệp. Các tổ chức trung gian cũng đã có mặt khắp cả nước, với 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, một sàn giao dịch công nghệ vùng duyên hải Bắc Bộ. Giá trị giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ tăng với tốc độ bình quân hằng năm đạt 22%.

Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội thì thị trường khoa học và công nghệ còn trầm lắng.

Thị trường thiếu vắng các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm để có thể dẫn dắt mạng lưới các tổ chức trung gian. Các tổ chức trung gian chưa chuyên nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ, chưa tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp có nhu cầu về công nghệ.

Các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm mua sắm hàng hóa khoa học và công nghệ do năng lực tài chính có hạn, và năng lực hấp thụ, nắm bắt công nghệ mới còn hạn chế.

Theo dõi sự vận hành của thị trường khoa học và công nghệ, nhiều chuyên gia cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay là chưa có cơ chế khai thác hiệu quả các kết quả nghiên cứu.

Mặc dù các viện nghiên cứu, trường đại học có nhiều kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ quan trọng nhưng hàng hóa khoa học và công nghệ được cung cấp từ các cơ sở này còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng.

Rào cản lớn nhất hiện nay là chưa có cơ chế khai thác hiệu quả các kết quả nghiên cứu.

Hầu hết các viện nghiên cứu, trường đại học gặp khó khăn trong việc quản lý, khai thác kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.

Các nhà khoa học cho rằng, cần tháo gỡ nút thắt này bằng việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và trách nhiệm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đồng thời, lợi nhuận thu được từ thương mại hóa được phân chia hợp lý cho tổ chức chủ trì và tác giả nghiên cứu, thay vì phải định giá, thương mại hóa và phân chia lợi nhuận, bảo đảm quyền lợi cho Nhà nước như quy định tại Nghị định 70/2018/NĐ-CP.

Thực tế triển khai cho thấy, việc định giá công nghệ có nhiều vướng mắc, khó chính xác về giá trị. Chính vì thế, không ít đơn vị, nhà khoa học chưa quan tâm việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chỉ công bố các bài báo quốc tế, đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

Nếu lợi nhuận được phân chia trực tiếp cho tổ chức chủ trì và tác giả nghiên cứu sẽ tạo động lực cho nhà khoa học trong nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cho xã hội.

Khi đó, giá trị đầu tư của Nhà nước qua các đề tài nghiên cứu sẽ phát huy được hiệu quả, thí dụ như tạo ra nhiều việc làm cho lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách từ thuế…

Nếu lợi nhuận được phân chia trực tiếp cho tổ chức chủ trì và tác giả nghiên cứu sẽ tạo động lực cho nhà khoa học trong nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cho xã hội.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng cho rằng, để thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ thì chính sách đột phá về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, giải quyết được nghịch lý nêu trên là vấn đề quan trọng nhất.

Khi có nguồn cung công nghệ sẽ kéo theo được sự tham gia của doanh nghiệp vào thị trường, tăng sự hợp tác của doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học.

Các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia, xây dựng cơ sở dữ liệu, mạng lưới chuyên gia phục vụ nhu cầu phát triển thị trường khoa học và công nghệ…