Chính sách nước sạch và vệ sinh nông thôn cần cam kết mạnh mẽ và tiếp cận đa chiều

NDO -

Bảo đảm người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị… là những mục tiêu được đề cập tại Hội nghị công bố Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức ngày 22/12/2021, tại Hà Nội.

Trẻ em dân tộc thiểu số Ra Glai ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận vui mừng khi được sử dụng nguồn nước sạch đưa đến tận nhà.
Trẻ em dân tộc thiểu số Ra Glai ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận vui mừng khi được sử dụng nguồn nước sạch đưa đến tận nhà.

Thông tin về kết quả thực hiện Chiến lược, giai đoạn năm 2000-2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lương Văn Anh cho biết: Có 88,5% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 51% sử dụng nước sạch đạt chuẩn QCVN 01:2009/BYT; 75% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Kết quả trên bước đầu đã cải thiện chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân nông thôn một cách đáng kể.

Chương trình đã xây dựng hơn 16.000 công trình cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho 44% dân số nông thôn, đồng thời đã thu hút sự quan tâm, hỗ trợ thực hiện của các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, qua quá trình thực hiện, thực tế cũng bộc lộ không ít khó khăn, bất cập cần khắc phục như; nguồn vốn so với nhu cầu thực tế còn chưa đáp ứng đủ; công tác quản lý, sửa chữa còn nhiều bất cập; năng lực các đơn vị quản lý vận hành cần được đào tạo nâng cao…

Chính sách nước sạch và vệ sinh nông thôn cần cam kết mạnh mẽ và tiếp cận đa chiều -0
Toàn cảnh Hội nghị. 

Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, bà Rana Flowers đồng tình và cho rằng: Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn là công cụ chính sách trọng yếu, là định hướng hành động nhằm cải thiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh. Quan trọng hơn cả, trong quá trình triển khai, chiến lược sẽ giúp cải thiện đời sống của hàng triệu người dân Việt Nam. Bà Rana Flower đề xuất 3 nội dung:

Một là, cần đầu tư đủ và đầu tư sáng suốt, chi một cách thông minh để thích ứng với khí hậu, từ đó chúng ta có thể phân bổ nước sạch và vệ sinh cho tất cả người dân, đặc biệt là những vùng khó khăn.

Hai là, cam kết mạnh mẽ để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và những nơi chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, để họ có điều kiện tiếp cận với nước sạch và vệ sinh một cách bền vững.

Ba là, chương trình cần được tiếp cận đa ngành, lồng ghép với các chương trình để thực hiện hiệu quả nhất. 

Nhất trí với quan điểm trên, đại diện một số tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị (Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Công ty Unilever Việt Nam…) đã cam kết đồng hành, cùng thực hiện chiến lược này một cách hiệu quả, nhanh chóng tìm ra chính sách toàn diện trên quy mô lớn, nhằm phát triển một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tại Hội nghị, từ góc nhìn của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thế Giang kiến nghị: Trung ương cần bố trí nguồn vốn sửa chữa các công trình, kể cả công trình quy mô nhỏ; các quy định, hướng dẫn quản lý hạ tầng, đặc biệt là quản lý sau đầu tư đối với những khu vực đồng bào vùng cao. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh thêm: Còn nhiều chính sách vướng mắc như chính sách xã hội hóa; chính sách hỗ trợ cho danh nghiệp đầu tư đối với những vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời cần sớm hoàn thiện áp dụng việc tính đúng, tính đủ giá nước sạch nông thôn. 

Cảm ơn sâu sắc đến các bộ, ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế đã luôn đồng hành và dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho Việt Nam, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn.

Chính sách nước sạch và vệ sinh nông thôn cần cam kết mạnh mẽ và tiếp cận đa chiều -0
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị. 

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 đã đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cấp nước và vệ sinh nông thôn hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị. Thứ trưởng đề nghị các nhóm giải pháp về chiến lược truyền thông, đa dạng hóa hình thức, đa nền tảng hướng tới hai mục tiêu, trong đó nâng cao, thay đổi nhận thức cho các cấp quản lý và ý thức thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn với người dân. Các đơn vị cần sớm hoàn thiện thể chế, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách phải hướng đến xã hội hóa đầu tư.

Phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhằm mở rộng định mức và đối tượng cho vay trong giai đoạn tới. Thứ trưởng cũng lưu ý; công tác kiện toàn, hoàn thiện các đơn vị sự nghiệp quản lý ở các địa phương là hết sức quan trọng, công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư để các công trình đạt hiệu quả thực chất. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Nước sạch là một trong những nhu cầu cơ bản trong đời sống hàng ngày của con người, nó vừa mang tính xã hội sâu sắc vừa gắn liền với cuộc sống của mỗi một cộng đồng dân cư. Hiện nay, cấp nước sạch đang là một trong những vấn đề được quan tâm không chỉ ở một quốc gia, một khu vực, mà đang là vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu.