Chính sách mới về dịch vụ việc làm có hiệu lực từ tháng 6

NDO -

Nghị định 23/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hiệu lực từ ngày 1-6.

Tư vấn nghề nghiệp tại Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2021 tại Hà Nội (Ảnh minh họa: HCES).
Tư vấn nghề nghiệp tại Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2021 tại Hà Nội (Ảnh minh họa: HCES).

Các điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm

Chính phủ ban hành Nghị định 23/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Văn bản chính thức có hiệu lực từ thời điểm 1-6.

Chính sách mới về dịch vụ việc làm có hiệu lực từ tháng 6 -0
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh: HCES). 

Một trong những điều kiện để thành lập trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) là có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm; phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm DVVL đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, cần có trụ sở làm việc; có ít nhất 15 người làm việc là viên chức. Cơ quan có thẩm quyền thành lập bảo đảm kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định của pháp luật.

Điều kiện tổ chức lại, giải thể trung tâm DVVL thực hiện theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhiệm vụ của Trung tâm DVVL tập trung vào các hoạt động chủ yếu sau.

Nổi bật là hoạt động tư vấn. Cụ thể là: Tư vấn, định hướng về nghề nghiệp, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động (NLĐ) lựa chọn ngành nghề, phương án đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện phù hợp với khả năng và nguyện vọng. Tư vấn việc làm cho NLĐ để lựa chọn vị trí việc làm phù hợp với khả năng và nguyện vọng; tư vấn về kỹ năng tham gia dự tuyến; về tự tạo việc làm, tìm việc làm trong nước và ngoài nước. Tư vấn cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) về tuyển, sử dụng và quản lý lao động; về quản trị và phát triển việc làm, phát triển nguồn nhân lực. Tư vấn về chính sách lao động, việc làm cho NLĐ, NSDLĐ.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ khác của trung tâm DVVL là giới thiệu việc làm cho NLĐ; Cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của NSDLĐ; Thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động; Phân tích và dự báo thị trường lao động; Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm; Đào tạo kỹ năng tham gia phỏng vấn, tìm kiếm việc làm và các kỹ năng làm việc khác; giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật; Thực hiện các chương trình, dự án về việc làm.

Trung tâm DVVL có trách nhiệm thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ và cung cấp thông tin thị trường lao động miễn phí.

Đồng thời, bảo đảm chất lượng dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Tổ chức thực hiện các hoạt động giao dịch việc làm, xây dựng dữ liệu người tìm việc, việc làm trống để kết nối cung cầu lao động.

Thực hiện đúng quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của trung tâm DVVL.

Các trường hợp doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm bị thu hồi giấy phép

Nghị định 23/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ, doanh nghiệp (DN) bị thu hồi giấy phép hoạt động DVVL trong các trường hợp sau đây:

Chấm dứt hoạt động DVVL theo đề nghị của DN;

Doanh nghiệp giải thể hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản;

Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN;

Cho DN, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép;

Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động DVVL từ ba lần trong khoảng thời gian tối đa 36 tháng kể từ ngày bị xử phạt lần đầu tiên hoặc cố tình không chấp hành quyết định xử phạt;

Doanh nghiệp có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp;

Không bảo đảm một trong các điều kiện cấp giấy phép hoạt động DVVL;

Người đại diện theo pháp luật của DN là người nước ngoài không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Lao động 2019.

* Đến hết năm 2020

+ 26.415 người được hỗ trợ học nghề, giảm 37,5% so với cùng kỳ năm 2019 (41.906 người)

+ Hơn 2,2 triệu lượtố lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng khoảng 32,8% so với cùng kỳ năm 2019 (hơn 1,6 triệu lượt)

(Nguồn: Cục Việc làm)

Lao động và việc làm