Chính sách cần biết về thị trường lao động Malaysia

NDO - Cục Quản lý lao động ngoài nước cung cấp một số thông tin cần thiết về chính sách tiếp nhận lao động và quy định của Malaysia. Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ cần lưu ý, bảo đảm quyền lợi người lao động trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Trao đổi “Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Malaysia” ngày 21/3/2022. (Ảnh: Molisa)
Trao đổi “Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Malaysia” ngày 21/3/2022. (Ảnh: Molisa)

Lương cơ bản của người lao động tại Malaysia tối thiểu là 1.500 MYR/tháng

Ngày 21/3/2022, Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Malaysia đã được ký kết. Văn bản quy định các nội dung liên quan đến đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại thị trường này.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thông tin tới các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng một số nội dung cần lưu ý khi đàm phán, làm việc với đối tác Malaysia.

Trước hết, về một số quy định khi ký hợp đồng cung ứng, công ty dịch vụ Việt Nam phải ký hợp đồng cung ứng với một cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng Malaysia (MRA), không ký hợp đồng trực tiếp với công ty sử dụng lao động.

Công ty dịch vụ Việt Nam phải ký hợp đồng cung ứng với một cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng Malaysia (MRA), không ký hợp đồng trực tiếp với công ty sử dụng lao động.

Phía tiếp nhận chi trả các khoản phí sau đây cho người lao động. Cụ thể là: Bảo hiểm thương tật, bảo hiểm y tế và bất kỳ bảo hiểm nào khác theo quy định của Chính phủ Malaysia, thuế Levy; Phí khám sức khỏe tại Malaysia; Phí sàng lọc an ninh, khám sức khỏe tại Việt Nam (được hoàn trả cho người lao động khi thanh toán tháng lương đầu tiên của người lao động); Visa nhập cảnh một lần (calling visa); Vé máy bay khứ hồi.

Người sử dụng lao động phải cung cấp chỗ ở hợp lý với các tiện nghi cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định về an toàn và sức khỏe, mức khấu trừ tiền nhà tối đa 50 ringit (MYR)/tháng.

Phía tiếp nhận trả một phần phí dịch vụ cho công ty Việt Nam mức tối thiểu bằng 50% của 1 tháng lương cơ bản của người lao động.

Lương cơ bản của người lao động từ ngày 1/5/2022 tối thiểu là 1.500 MYR/tháng. Tính theo tỷ giá hiện tại, mức lương cơ bản tối thiểu này tương đương khoảng 8,1 triệu đồng.

Từ ngày 1/1/2023, thời gian làm việc tối đa giảm từ 48 giờ/tuần xuống còn 45 giờ/tuần.

Lương cơ bản của người lao động từ ngày 1/5/2022 tối thiểu là 1.500 MYR/tháng. Từ ngày 1/1/2023, thời gian làm việc tối đa giảm từ 48 giờ/tuần xuống còn 45 giờ/tuần.

Khoảng 1,3 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại Malaysia

Hiện nay, lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Nền kinh tế Malaysia phụ thuộc nhiều vào lực lượng lao động nước ngoài. Hiện có khoảng 1,3 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại Malaysia.

Trong 2 năm vừa qua, nhiều ngành/khu vực kinh tế của Malaysia thiếu lao động, đặc biệt là trồng cọ và giúp việc gia đình do thiếu hụt nguồn cung lao động từ Philippines và Indonesia. Nhiều doanh nghiệp đã có đề nghị tuyển dụng lao động Việt Nam làm việc trong 2 ngành/nghề này.

Tuy nhiên, điều kiện lao động và việc quản lý lao động thực tế 2 ngành/ nghề này có khó khăn.

Cụ thể, với nghề trồng trọt làm việc tại các trang trại, rừng cọ, người lao động phải ở và làm việc tại các địa điểm sâu trong rừng, xa khu dân cư, điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn, khó tiếp cận dịch vụ cơ bản, nguy cơ nhiễm bệnh cao; khó quản lý, khó tiếp cận để hỗ trợ, xử lý khi có vấn đề phát sinh;

Còn với nghề giúp việc gia đình, hiện Chính phủ hai nước chưa có thỏa thuận về lĩnh vực này nên có thể khó khăn trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi người lao động.

Để bảo đảm quyền lợi và tránh các nguy cơ rủi ro đối với người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị, các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ khi làm việc với các đối tác có yêu cầu tiếp nhận lao động hai ngành nghề nêu trên.

Từ tháng 12/2003, Bản ghi nhớ lần đầu tiên về tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia đã được ký kết.

Từ đó đến nay, có khoảng 100 nghìn lượt người lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia. Hiện, có khoảng 8.000 người lao động Việt Nam đang làm việc hợp pháp tại quốc gia này.

Các lao động nước ta tập trung phần lớn trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, số còn lại trong lĩnh vực dịch vụ (phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn, khu giải trí, sòng bạc, bán hàng tại các cửa hàng, siêu thị), giúp việc gia đình, nông nghiệp.

Bản ghi nhớ được ký kết lần thứ 3 vào tháng 3/2022 vừa qua là dấu mốc quan trọng đối với quan hệ hợp tác nguồn nhân lực tốt đẹp trong gần 20 năm qua giữa Chính phủ hai nước nói chung và lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Nguồn nhân lực Malaysia nói riêng. Đây là khuôn khổ pháp lý cho việc tuyển dụng lao động Việt Nam đi làm việc tại Malaysia.

Trên cơ sở Bản ghi nhớ này, hoạt động phái cử người lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia sẽ được thực hiện chặt chẽ. Các cơ quan quản lý hai nước phối hợp tích cực trong các hoạt động liên quan đến lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia.