Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Tài chính Thái Lan Julapun Amornvivat cho biết, giai đoạn đầu tiên của chương trình sẽ được bắt đầu từ ngày 1/10 đến 30/9 năm tới, với chi phí khoảng 12 tỷ baht. Thông tin chi tiết về giai đoạn 2 và 3 của kế hoạch giãn nợ chưa được công bố vì cần thêm sự phê duyệt của Chính phủ.
Theo thông tin được công bố, những người đủ điều kiện hoãn trả nợ là các nông dân đã vay nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp (BAAC) với số dư nợ gốc không quá 300.000 baht mỗi khoản tính đến ngày 30/9/2023, với tình trạng khoản vay của họ được phân loại là bình thường, khoản vay đặc biệt (SML) và nợ xấu (NPL).
Cũng theo ông Julapun, sẽ có khoảng 2,7 triệu nông dân với tổng nợ 300 triệu baht đủ điều kiện tham gia chương trình. Ông nói thêm rằng số nông dân này chiếm khoảng 64% số người vay nợ từ BAAC. Những nông dân đủ điều kiện có thể đăng ký tham gia chương trình từ ngày 1/10 đến 31/1/2024.
Ngoài việc hoãn nợ, những nông dân tham gia chương trình còn được phép vay thêm 100 nghìn baht từ BAAC để tạo kế sinh nhai trong thời gian được hoãn nợ.
Trong khi đó, những người có nợ xấu chỉ có thể tham gia chương trình giãn nợ sau khi trải qua quá trình cơ cấu lại nợ theo tiêu chí của BAAC. Chính phủ cũng sẽ giúp gánh vác gánh nặng trả lãi cho nhóm khách nợ này trong 3 tháng.
Ngoài ra, tại cuộc họp, Chính phủ Thái Lan cũng đã thông qua các biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng cho nông dân tham gia chương trình, theo đó BAAC sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để tổ chức các buổi đào tạo nghề, nhằm giúp nông dân theo đuổi các nghề nghiệp khác để bổ sung thu nhập, trả nợ và cải thiện sinh kế lâu dài.
Chính phủ Thái Lan đã thành lập một ủy ban để triển khai các biện pháp giãn nợ cho nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ông Julapun được chỉ định là người đứng đầu ủy ban này, có nhiệm vụ khảo sát, phân tích và đưa ra các biện pháp hoãn nợ cho người nông dân và SME đồng thời đưa ra các khuyến nghị về giảm nợ.
Bộ Tài chính Thái Lan đang đặt kỳ vọng chương trình hoãn nợ sẽ giúp tăng tính thanh khoản của các hộ nông dân nhỏ để họ có thể kiếm đủ tiền trang trải cho các chi tiêu hằng ngày.
Ông Julapun nói: “Chương trình cũng sẽ giúp mở rộng các cơ hội đầu tư và cải thiện năng suất, cải thiện sức mua cho địa phương trong nền kinh tế cơ sở. Điều này sẽ giúp bảo đảm cuộc sống cho người nông dân về lâu dài”.