Chính phủ Mỹ đang cố gắng không để xảy ra vỡ nợ bởi điều này sẽ gây ra tình trạng suy thoái, kéo theo đổ vỡ hệ thống tài chính, khiến các dịch vụ an sinh xã hội bị đình trệ, hàng loạt nhân viên chính phủ bị sa thải và lãi suất cho vay thế chấp tăng vọt, trong bối cảnh các cuộc đàm phán về trần nợ công vẫn lâm vào bế tắc.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày 1/6 - thời điểm Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ có thể hết khả năng trang trải chi phí cho các hoạt động và vỡ nợ nếu các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa không đạt thỏa thuận nâng trần nợ. Nợ công của Mỹ hiện ở mức 31.400 tỷ USD.
Trong khi đó, các nghị sĩ đã bắt đầu kỳ nghỉ sau cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào sáng 25/5 và đến ngày 4/6 tới mới họp trở lại. Nhiều người lo ngại kỳ nghỉ kéo dài làm gián đoạn quá trình đàm phán trong giai đoạn gấp rút. Để trấn an tâm lý lo ngại, Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ không rơi vào cảnh vỡ nợ, đồng thời nhấn mạnh các cuộc thương lượng giữa ông và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy về cắt giảm chi tiêu và tăng trần nợ "có hiệu quả".
Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ không rơi vào cảnh vỡ nợ, đồng thời nhấn mạnh các cuộc thương lượng giữa ông và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy về cắt giảm chi tiêu và tăng trần nợ "có hiệu quả".
Các cuộc đàm phán giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về nâng trần nợ công diễn ra cam go mà chưa mang lại kết quả. Phe Cộng hòa đề xuất cắt giảm chi tiêu 130 tỷ USD, với các khoản chi tiêu trong năm tới chỉ hạn chế ở mức bằng năm 2022, coi đây là điều kiện để đạt thỏa thuận tăng trần nợ công.
Họ cho rằng không thể nâng trần nợ công nếu chính phủ không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách, như cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo Medicaid. Chính quyền Tổng thống Biden phản đối các biện pháp nêu trên, thay vào đó đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất cũng như các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn.
Trần nợ công của Mỹ
Nhà trắng cho biết, Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã có cuộc thảo luận trực tuyến ngày 25/5 và các nhà đàm phán tiếp tục phải thu hẹp bất đồng trong các vấn đề liên quan.
Theo Tổng thống Biden, ông và Chủ tịch Hạ viện McCarthy có quan điểm rất khác biệt về những lĩnh vực phải cắt giảm chi tiêu. Ông nhấn mạnh: "Tôi cho rằng không nên trút toàn bộ gánh nặng lên tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động Mỹ".
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cho biết đây cũng không phải điều dễ dàng. Trong các cuộc nói chuyện với Tổng thống Biden, Chủ tịch Hạ viện McCarthy và các phụ tá của ông đã tập trung gần như hoàn toàn vào việc cắt giảm một phần nhỏ ngân sách - được gọi là khoản chi tiêu tự chủ phi quốc phòng - bao gồm tài trợ cho giáo dục, bảo vệ môi trường, công viên quốc gia, thực thi pháp luật trong nước và các hoạt động khác.
Khoản ngân sách này chiếm chưa tới 15% trong số 6,3 nghìn tỷ USD mà Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ chi tiêu trong năm nay. Mục chi này từ trước đến nay thường không quá lớn và được dự đoán là sẽ thu hẹp lại trong thập kỷ tới.
Kiềm chế chi tiêu của chính phủ đã trở thành mục tiêu trọng tâm của các cuộc đàm phán về việc tăng trần nợ công, trong khi hầu hết người Mỹ ủng hộ một dự luật để nâng trần nợ công mà không phải cắt giảm chi tiêu. Rất khó để dự đoán chính xác điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, do đó các cuộc đàm phán được cho là gần như khó đạt được thỏa thuận.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo nguy cơ Chính phủ vỡ nợ vào tháng 6
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, vỡ nợ sẽ dẫn tới thảm họa tài chính có thể kích hoạt bán tháo hàng hóa trên diện rộng, đẩy kinh tế xuống dốc và lãi suất tăng vọt, kéo theo hàng loạt rủi ro khác như hàng triệu người thất nghiệp, trợ cấp hưu trí bị ảnh hưởng và một cuộc suy thoái kinh tế khiến thị trường thế giới cũng chao đảo.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva cho rằng, cuộc tranh cãi trong nước Mỹ về trần nợ công là không cần thiết cho nền kinh tế thế giới, nhất là trong giai đoạn có nhiều bất ổn hiện nay, và nên được giải quyết sớm. Tranh cãi về vấn đề này đã khiến các thị trường quốc tế rối loạn.
Nhà trắng thông báo, Tổng thống Biden không có kế hoạch viện dẫn Tu chính án thứ 14 để ngăn Mỹ rơi vào vỡ nợ, theo đó bác khả năng sử dụng hiến pháp để vượt qua bế tắc về nợ công hiện nay. Theo một số chuyên gia, việc viện dẫn Tu chính án thứ 14 trong Hiến pháp sẽ cho phép Bộ Tài chính bỏ qua giới hạn về nợ công.
Tuy nhiên, Nhà trắng khẳng định giải pháp này sẽ không giúp giải quyết được vấn đề hiện nay và Chính phủ của Tổng thống Biden tự tin có thể vượt qua thời khắc khó khăn để ngăn chặn những hệ lụy lớn đối với nền kinh tế Mỹ cũng như hiệu ứng domino đối với kinh tế toàn cầu.