Mở đầu phiên họp, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thành kính dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc đột phá về thể chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Chính phủ rất coi trọng công tác này. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tổ chức 27 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật trình Quốc hội xem xét; kết quả được thông qua hơn 60 luật, nghị quyết; Chính phủ ban hành hơn 380 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 90 Quyết định quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thành kính dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Anh hùng liệt sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Riêng trong năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 26 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật. Đặc biệt, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. Trên cơ sở đó, Chính phủ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để triển khai việc đột phá về thể chế. Ngoài việc cần coi trọng về số lượng, kịp tiến độ, chúng ta đặc biệt phải coi trọng chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Chúng ta phải rất coi trọng giảm thủ tục hành chính, chấm dứt cơ chế “xin-cho”, giảm phiền hà cho các cơ quan, người dân, doanh nghiệp, nhất là chi phí tuân thủ khi phải thực hiện các thủ tục hành chính theo tinh thần cải cách hành chính mà Chính phủ thường xuyên tổ chức họp hằng quý. Nguyên tắc xây dựng luật phải tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, từ đó huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển đất nước theo đúng mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra: đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thủ tướng nhấn mạnh, hôm nay, Chính phủ tổ chức Phiên họp chuyên đề về xây pháp luật tháng 7/2024 (là phiên họp thứ 6 của năm 2024) để xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 5 nội dung quan trọng: 2 đề nghị xây dựng Luật: Tình trạng khẩn cấp; Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); 2 dự án Luật: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); 1 Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam.
Thủ tướng lưu ý phân công các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thể chế; thường xuyên rà soát, xem xét các vướng mắc, vấn đề phát sinh trên thực tiễn, những vấn đề mới, những vấn đề cần phải có các quy định pháp luật để thực hiện trên tinh thần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Khi chúng ta đã làm có nền nếp, lớp lang thì mọi công việc sẽ suôn sẻ. Ngoài ra, phải đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng thể chế; các yêu cầu về điều kiện bảo đảm như tư liệu, tài liệu, các trang thiết bị cần thiết khác; ưu tiên chế độ chính sách cho những cán bộ tham gia xây dựng pháp luật; bố trí nguồn lực cho công tác này phải là những người có trách nhiệm cao, có tinh thần trách nhiệm, đam mê, cảm xúc đối công việc được phân công; cần khuyến khích đổi mới sáng tạo, sáng kiến trong quá trình xây dựng pháp luật (các Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư của các bộ).
Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI). |
Thủ tướng nêu rõ, đã qua 6 tháng đầu năm 2024 và 3 năm của nhiệm kỳ này, các bộ, ngành cần xem xét những cán bộ nào từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thành tích xuất sắc trong xây dựng thể chế thì đề xuất khen thưởng đột xuất; Bộ Nội vụ quan tâm và hướng dẫn công tác này. Bên cạnh đó, phải rà soát lại những ai chưa làm tốt phải kiểm điểm, nhắc nhở; ai vi phạm phải xử lý; từ đó tạo công bằng, công minh, khách quan, bình đẳng trong công tác này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Cũng tại phiên họp này, Chính phủ cũng xem xét chủ trương quan trọng là xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trên tuyến bắc-nam. Bộ Chính trị đã có Kết luận 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do đó Chính phủ phải cụ thể hóa chủ trương này. Việc này đã được đặt ra hơn 10 năm, đây cũng là công việc phải thực hiện theo Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị. Đây là việc lớn, do đó phải xin ý kiến của Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Lưu ý thời gian có hạn, yêu cầu cao, phạm vi rộng, nội dung phong phú, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ; bảo đảm tiến độ, chất lượng của Phiên họp. Thủ tướng lưu ý tinh thần xác định trong Luật phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, từ đó dễ kiểm tra, giám sát, đôn đốc, thi đua khen thưởng.
Nỗ lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo đảm tiến độ và chất lượng
Nỗ lực đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo đảm tiến độ và chất lượng, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 diễn ra ngày 24/7 tại Trụ sở Chính phủ.
Phiên họp xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 5 nội dung quan trọng: 2 đề nghị xây dựng Luật: Tình trạng khẩn cấp; Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); 2 dự án Luật: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); 1 Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành tích cực rà soát mọi vướng mắc để tháo gỡ những khó khăn trên thực tiễn; đặc biệt lưu ý xây dựng hệ thống pháp luật rõ ràng, lành mạnh, minh bạch, khách quan, tránh chồng chéo, góp phần để cán bộ, công chức yên tâm vận hành, xoá bỏ tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh. Các cấp lãnh đạo tiếp tục vào cuộc trong việc xây dựng và bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật của bộ, ngành mình; huy động nguồn lực tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn hiện nay cho công cuộc phát triển đất nước.
Về xây dựng các dự án luật, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Quốc hội, thực tiễn đặt ra; lưu ý xác định rõ khái niệm trong luật, xác định phạm vi đối tượng từ đó xác định giải pháp khả thi trong quá trình xây dựng, hoàn thiện luật pháp; tập trung rà soát phân cấp, phân quyền tối đa có thể, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh. Tiếp tục rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, cơ chế xin-cho, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; có cơ chế huy động nguồn lực thông thoáng từ hợp tác công tư, người dân, doanh nghiệp, đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài…; không để xảy ra tham nhũng chính sách; sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, không để thất thoát; liên quan các nhiệm vụ, trách nhiệm, cần rà soát lại, làm rõ nội dung, rõ chủ thể, rõ thời gian, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm, để khi thi hành dễ kiểm tra, giám sát, dễ khen thưởng, xử lý.
Thủ tướng nêu rõ, phải xác định rõ ưu tiên đầu tư; muốn vậy phải có cơ chế, chính sách ưu đãi; thiết kế các công cụ luật pháp theo hướng khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới vì sự nghiệp chung.
Về một số chính sách ưu đãi, Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá tác động đa chiều; xem xét kỹ lưỡng, có tính khả thi cao, linh hoạt trong điều chỉnh chính sách; tiếp tục lấy ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, các đối tượng bị tác động trên tinh thần cởi mở, lắng nghe, chia sẻ, hết sức cầu thị, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp, tránh tình trạng lợi ích cục bộ. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền nghiêm túc, công khai, minh bạch để người dân “cùng biết, cùng làm, cùng tham gia, cùng góp ý, cùng thụ hưởng” tất cả vì mục tiêu ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khi chuẩn bị hồ sơ phải chặt chẽ, kỹ lưỡng; tiếp tục xây dựng các Nghị định, Thông tư đi kèm với Luật để khi các Luật có hiệu lực thì triển khai được ngay; thực hiện đồng bộ, chủ động triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả, không để xảy ra vướng mắc với tinh thần chủ động, tích cực, thiết thực, hiệu quả, không hình thức; bảo đảm Luật đi thực sự vào cuộc sống, tạo sự phấn khởi, huy động sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp, tạo khí thế, giữ đà phát triển đất nước hiện nay.
Liên quan việc hoàn thiện Đề án chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao tuyến bắc - nam, Thủ tướng cơ bản đồng ý chủ trương xây dựng dự án này hiện đại, đồng bộ, phù hợp xu thế phát triển thế giới, với tổng chiều dài 1.541km, kế hoạch hoàn thành vào năm 2035, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 60 tỷ USD; yêu cầu nghiên cứu các cơ chế để chuyển giao công nghệ, xây dựng ngành công nghiệp đường sắt theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị đã đề ra; xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực gồm của Nhà nước (Trung ương, địa phương), vốn vay, vốn phát hành trái phiếu, vốn đầu tư của doanh nghiệp, vốn khai thác từ hiệu quả của nhà ga… với tinh thần đa dạng hóa nguồn vốn; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự lực, tự chủ của các cơ quan, đơn vị, địa phương để trưởng thành, lớn mạnh để triển khai các dự án lớn hơn nữa, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, phục vụ mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam nước phát triển có thu nhập cao.
Thủ tướng chỉ đạo phát triển dự án đường sắt tốc độ cao phải kết hợp kinh tế với an ninh quốc phòng, kết hợp với vận tải hàng hóa nhẹ và vận tải hành khách trên tuyến đường sắt này, trong đó chủ yếu là vận tải hành khách; bảo đảm mục tiêu lưỡng dụng khi cần thiết; nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu để tập trung cho vận tải hàng hóa và du lịch; bảo đảm linh hoạt trong điều hành.
Thủ tướng nêu rõ, phải thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai dự án này, để kiểm tra, đôn đốc, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tinh thần đã quyết tâm làm phải hiệu quả, đáp ứng yêu cầu và mong muốn của nhân dân, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; đánh giá kỹ tác động của nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, từ đó làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân, các cấp lãnh đạo, nhà khoa học yên tâm về việc huy động vốn.
Thủ tướng lưu ý công tác tuyên truyền có kế hoạch, bảo đảm khách quan, trung thực, đúng bản chất để bảo đảm sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, có tính khả thi cao; chuẩn bị cả phương án vô hiệu hóa những luận điệu chống phá, xuyên tạc chủ trương đầu tư của Đảng, Nhà nước.
Thủ tướng lưu ý chuẩn bị Đề án đầy đủ, với báo cáo tóm tắt, tờ trình đầy đủ với các phụ lục gửi các cấp thẩm quyền, cùng với dự thảo các kết luận, Nghị quyết của các cấp thẩm quyền, kịp trình đúng thời gian.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tích cực nghiên cứu 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, cố gắng hết năm 2026 hoàn thành công tác xây dựng dự án nghiên cứu tiền khả thi trong đó, tập trung ưu tiên phát triển tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội….; nghiên cứu cùng với các đối tác xây dựng tuyến đường sắt từ Vũng Áng qua Viêng Chăn (Lào), xa hơn nữa là cần tính tới việc kết nối các tuyến đường sắt Campuchia, Lào và Việt Nam với Trung Quốc…