Các mẫu hóa thạch được xác định là của pterosaur, loài sinh vật bay sống cùng thời với khủng long, có sải cánh dài và kiếm ăn bằng cách lọc nước qua những chiếc răng dài và thưa, tương tự chim hồng hạc.
Nhà điều tra Jhonatan Alarcón từ Đại học Chile, trưởng nhóm nghiên cứu phát hiện ra nghĩa địa trên, cho biết ông và các cộng sự đã tìm kiếm vết tích loài pterosaur trong nhiều năm qua, tuy nhiên phát hiện mới này đã vượt quá những gì họ mong đợi.
“Các phát hiện kiểu này tương đối hiếm. Hầu hết những hài cốt loài pterosaur được tìm thấy trên khắp thế giới từ trước đến nay đều tách biệt với nhau”, ông Alarcón nói. Theo ông, việc phát hiện ra nghĩa địa này sẽ cho phép các nhà khoa học tìm hiểu thói quen của loài pterosaur, cũng như các đặc điểm giải phẫu của chúng.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng ngạc nhiên khi thấy các bộ xương của loài pterosaur được bảo quản khá tốt.
“Hầu hết các mảnh xương của loài pterosaur được tìm thấy đều dẹt và gãy vụn. Tuy nhiên, chúng tôi có thể khôi phục xương bảo quản 3D từ địa điểm này”, ông David Rubilar, trưởng bộ phận cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Chile, cho biết.
Điều này cũng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về giải phẫu của loài pterosaur.