“Chiêu trò” tìm việc làm qua mạng xã hội

Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm, nhất là tân sinh viên bắt đầu nhập học, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt thông tin tuyển dụng việc làm online để kiếm thêm thu nhập. Do thiếu thông tin, và nôn nóng muốn kiếm tiền, nhiều người bị “sập bẫy” bởi những chiêu lừa đảo tinh vi được biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau.
0:00 / 0:00
0:00
Tin nhắn tuyển dụng, mời làm cộng tác viên được gửi qua mạng xã hội tới người dùng. (Ảnh: NGỌC MAI)
Tin nhắn tuyển dụng, mời làm cộng tác viên được gửi qua mạng xã hội tới người dùng. (Ảnh: NGỌC MAI)

Đánh vào tâm lý muốn thay đổi công việc, môi trường làm việc, trong đó có nhiều người quen với cách làm việc tại nhà do dịch bệnh, muốn kiếm thêm thu nhập... là cơ hội cho những kẻ lừa đảo giấu mặt ra tay.

Những kẻ lừa đảo còn nhắm đến các bà mẹ nuôi con nhỏ, nữ công nhân nhẹ dạ, sinh viên muốn làm thêm.., nên liên tục chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Google với những nội dung: “Shopee, Lazada, Tiki, Sendo tuyển cộng tác viên bán hàng ảo để tăng lượng đơn hàng”, “nhận đánh giá tốt trên các sàn thương mại điện tử cho các shop kinh doanh online”...

Yêu cầu tuyển dụng rất đơn giản, chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính cá nhân và tài khoản ngân hàng... Có công việc nghe chừng rất đơn giản, đó là chỉ cần ngồi xem các video, đọc tin tức thì tiền sẽ tự động vào tài khoản. Chiêu lừa đảo này xuất hiện đánh vào tâm lý của nhiều người tìm đến những kênh giải trí trên mạng xã hội, đặc biệt là YouTube, TikTok...

Khánh Linh (ở Vĩnh Phúc), sau khi tham gia vào một hội nhóm tìm việc trên Facebook, đã quyết định lựa chọn làm cộng tác viên viết content (sáng tạo nội dung), với mức tiền công là 50 nghìn đồng cho một bài viết khoảng 100 từ. “Khi nhận công việc này em đã cẩn thận nhắn tin trao đổi cụ thể và nhận được lời cam kết công ty sẽ chuyển tiền vào tài khoản sau khi viết bài xong. Nhưng sau hơn một tháng, viết được 15 bài gửi đi, em liên lạc lại để nhận thù lao, thì không thể liên lạc được nữa. Mãi sau này em mới biết đã bị lừa vì phải làm không công cho họ.

Cũng nhẹ dạ tin theo dòng giới thiệu trên trang mạng xã hội “chỉ cần có máy tính và khả năng ngoại ngữ”, Minh Châu (tân sinh viên Trường đại học Hà Nội) đã làm theo các chỉ dẫn của chủ bài đăng tuyển cộng tác viên dịch thuật. “Em vào link và có một người xưng là chủ bài đăng hướng dẫn công việc là phải nạp 200.000 đồng vào để được cấp tài khoản dịch. Nạp tiền xong, liên lạc lại thì không tìm thấy bài đăng đâu nữa, nhắn tin cũng không được. Lúc đó em mới biết mình đã bị sập bẫy của họ” Minh Châu cho biết.

Không chỉ những công việc “ảo” khiến các bạn sinh viên mất tiền, mất công sức, mà còn có những công việc núp bóng đa cấp nhằm chiếm đoạt tiền của các bạn trẻ. “Lúc đầu họ rất nhiệt tình hướng dẫn em rằng, nếu bán được hàng thì trong tài khoản sẽ có ngay 10 triệu đồng.

Trước khi nhận hàng họ nói em phải nhập 5 triệu đồng để có hàng sớm nhất. Vì hám lời cao nên em đã đi vay mượn bạn bè. nhưng sau một thời gian dài, hàng vẫn không bán được, em gọi điện mong trả lại hàng thì lúc đó mới biết đó là một công ty bán hàng đa cấp”, Trần Huy (sinh viên năm nhất Trường đại học Công nghiệp) chia sẻ.

Thực tế, có hàng nghìn bình luận chia sẻ rằng bị mất tiền oan từ 100.000-500.000 đồng bởi các chiêu trò tìm việc làm. Vì số tiền không quá lớn hoặc ngại người thân biết, nhiều người đành ngậm ngùi im lặng. Hầu như các nạn nhân đều trở thành người mua hàng bất đắc dĩ, lao động không công, bị “bùng” tiền công, chặn liên hệ ở các dạng công việc: đánh văn bản, đánh mã, đăng bài vào các hội nhóm, viết review, xem video...

Không chỉ bị lừa tiền, rất nhiều trường hợp giao dịch việc làm bị mất sạch tiền trong các tài khoản, ví điện tử, bị đăng nhập thiết bị máy tính, điện thoại đánh cắp thông tin, bị cắt ghép hình ảnh bôi nhọ danh dự...

Mới đây, website chính thức của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đưa ra cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác với các hình thức mời chào tham gia kiếm tiền trực tuyến thông qua việc xem video, đọc báo nhưng phải nộp tiền để kích hoạt tài khoản. Với số tiền đóng từ 200.000-250.000 đồng mỗi lượt đăng ký, những kẻ lừa đảo sẽ thu về số tiền rất lớn.

Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thực tế không khó khăn để nhận ra trò lừa đảo qua mạng. Thông thường kẻ lừa đảo sẽ đưa ra các thông tin chung chung như tuyển vị trí phục vụ, nhân viên trực tổng đài điện thoại, lễ tân... cùng với mức lương tương đối hấp dẫn và một số điện thoại lạ hoắc để liên hệ, mà không có tên tuổi, địa chỉ công ty, không yêu cầu kinh nghiệm, bằng cấp, độ tuổi...

Nhìn qua thì đó có vẻ là miếng mồi ngon béo bở, nhất là với các sinh viên đang có nhu cầu đi làm thêm kiếm tiền. Nhưng thực tế không có công ty uy tín nào lại tuyển dụng tràn lan và thiếu các thông tin cần thiết như vậy. Cũng chẳng có công việc nào dễ dàng như thế. Đây chỉ là những chiêu trò lừa đảo, các công ty môi giới.

Tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều lao động bị mất việc làm; đồng thời đánh vào tâm lý người dân muốn tìm kiếm công việc nhẹ, thu nhập cao, các đối tượng xấu đã đưa ra nhiều chiêu thức nhắn tin qua điện thoại, trang mạng xã hội để lừa đảo như: Thu nhập cao không giới hạn, việc nhẹ tại nhà, không cần bằng cấp... Thậm chí còn vẽ ra một công việc như mơ, từ đó yêu cầu người tìm việc phải nộp phí đặt cọc, giữ chỗ để đăng ký làm việc.

Để người lao động tin cậy, các đối tượng còn lập tài khoản cá nhân, fanpage mạo danh hoặc giả mạo thông tin chuyên trang tuyển dụng, các công ty, tập đoàn lớn rồi gửi thông tin trực tiếp qua tin nhắn cho người tìm việc. Do vậy, để tránh bị “sập bẫy” của những đối tượng lừa đảo, theo các chuyên gia trong lĩnh vực việc làm, người lao động, nhất là các tân sinh viên cần cảnh giác với các tin nhắn tuyển dụng.

Khi sử dụng mạng xã hội tìm việc làm trực tuyến không truy cập vào các liên kết lạ, đặc biệt, người dân không nên cung cấp tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số điện thoại, nhất là mã OTP từ ngân hàng để tránh bị chiếm đoạt tài sản. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cần tích cực tuyên truyền đến người dân về phương thức thủ đoạn mới nêu trên của tội phạm để tránh mắc bẫy.