Chiều tối nay, các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên đề phòng lũ quét, sạt lở

NDO - Dự báo trong 6 giờ tới, khu vực các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện ở các khu vực trên.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều nay (1/11), mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Dự báo trong 6 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to với lượng mưa tích lũy như sau: tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi phổ biến từ 10-25mm, có nơi hơn 40mm; tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên phổ biến từ 20-40mm, có nơi hơn 70mm.

Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện ở khu vực trên. Đặc biệt, trong những giờ tới nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực:

Tỉnh/Thành phố

Huyện

Quảng Nam

Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Hiệp Đức, Tiên Phước, Núi Thành

Quảng Ngãi

Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Đức Phổ, Tư Nghĩa

Bình Định

An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, Vân Canh, Vĩnh Thạnh

Phú Yên

Sơn Hòa, Sông Cầu, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tây Hòa

Cảnh báo, lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế-xã hội.

Trong 24 giờ qua khu vực các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên đã có mưa, mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Trà Vân 109,8mm (Quảng Nam), Ba Điền 172,8mm (Quảng Ngãi), Ân Tường 211,6mm (Bình Định), Sông Cầu 178mm (Phú Yên);…

Để chủ động ứng phó mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân tại khu vực miền trung, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ ở khu vực đã xảy ra hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.

Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đã sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; chủ động chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho học sinh vùng ngập lũ.

Chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, hạn chế tối đa thiệt hại.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp tự bảo đảm an toàn khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm để chủ động đề phòng mưa lũ, sạt lở đất gây chia cắt.

Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.