Chiều nay, Báo Nhân Dân tổ chức Tọa đàm "Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?"

NDO - Nhân dịp Ngày Thế giới nhận thức về Tự kỷ (2/4), chiều 28/3, Báo Nhân Dân tổ chức Tọa đàm "Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?", với sự tham gia của các nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực can thiệp cho trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ khám cho trẻ để chẩn đoán mức độ rối loạn phổ tự kỷ. (Ảnh: T.H)
Bác sĩ khám cho trẻ để chẩn đoán mức độ rối loạn phổ tự kỷ. (Ảnh: T.H)

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố đầu năm 2019, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó có khoảng 1 triệu người tự kỷ. Ước tính, cứ 100 trẻ sinh ra thì có một trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ tự kỷ tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng phải lưu tâm. Tương lai của họ sẽ ra sao, khi cha mẹ không còn nữa cũng là một vấn đề an sinh xã hội gây nhức nhối.

Tự kỷ không phải là rào cản, mà là một hành trình cần sự thấu hiểu, đồng hành và hỗ trợ từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Mỗi trẻ tự kỷ đều có tiềm năng riêng, và nhiệm vụ của chúng ta là mở ra cánh cửa cơ hội để các em phát triển theo cách của mình.

Để giúp trẻ tự kỷ hòa nhập, có thể sống độc lập và có một tương lai tươi sáng hơn đòi hỏi sự nỗ lực chung tay rất lớn từ cả phụ huynh, cộng đồng xã hội và đặc biệt là sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua hệ thống cơ chế, chính sách kịp thời và hiệu quả.

Tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức về hội chứng tự kỷ; kết nối cộng đồng để cùng hỗ trợ trẻ tự kỷ và tìm ra giải pháp thiết thực giúp các em có cơ hội phát triển tốt nhất.

Tọa đàm có sự tham dự của các diễn giả: Ông Đặng Hoa Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em; bác sĩ Mai Hương, Phó Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương; Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Hồng, đại diện Cục Bà mẹ và Trẻ em Bộ Y tế; Thạc sĩ Phan Thị Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, Giám đốc dự án hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ; ông Vũ Văn Chức, Sáng lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển hòa nhập Hoa Xuyến Chi, Bắc Giang; Tiến sĩ Đinh Nguyễn Trang Thu, Giảng viên chính, Phó trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Trường đại học Sư phạm Hà Nội; bà Phạm Lan, Giám đốc Trung tâm Giáo dục An Nguyên; bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng Our Story; ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại tọa đàm, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, những nhà giáo dục, phụ huynh và đại diện các tổ chức hỗ trợ trẻ tự kỷ sẽ chia sẻ những góc nhìn, kinh nghiệm và giải pháp để trẻ tự kỷ hòa nhập tốt hơn.

Với sự chung tay của các cơ quan truyền thông, Báo Nhân Dân hy vọng buổi tọa đàm sẽ lan tỏa thông điệp tích cực tới cộng đồng để chúng ta cùng chung tay xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho các em.

Tại buổi tọa đàm, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh của bé Tạ Đức Bảo Nam, trẻ tự kỷ sinh năm 2011. Chỉ trong 2 tháng (từ 1/10/2024 đến 2/12/2024), Tạ Đức Bảo Nam đã say sưa vẽ được 82 tranh, trong đó 60 bức tranh về các cây cầu. Dự kiến trong tuần tới, nhân dịp Ngày Thế giới nhận thức về Tự kỷ, Hội kỷ lục gia Việt Nam cấp cho bé giấy chứng nhận là trẻ tự kỷ vẽ nhiều bức tranh về cầu nhất Việt Nam.