Chia sẻ kỹ năng phân loại rác tại nguồn cho giáo viên và học sinh

NDO - Tại buổi tập huấn, giáo viên và học sinh được các chuyên gia chia sẻ nhiều thông tin hữu ích như hiện trạng và chính sách quản lý rác thải sinh hoạt; kinh nghiệm và giải pháp giảm rác từ quốc tế tới Việt Nam; lộ trình phân loại rác tại nguồn của thành phố Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Các em học sinh hào hứng tham dự Hội nghị tập huấn phân loại rác.
Các em học sinh hào hứng tham dự Hội nghị tập huấn phân loại rác.

Ngày 20/8, tại Hà Nội, Báo Tiền Phong phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình tổ chức Hội nghị tập huấn phân loại rác tại nguồn cho giáo viên, học sinh trên địa bàn quận Ba Đình.

Tại buổi tập huấn, giáo viên và học sinh được các chuyên gia chia sẻ nhiều thông tin hữu ích như hiện trạng và chính sách quản lý rác thải sinh hoạt; kinh nghiệm và giải pháp giảm rác từ quốc tế tới Việt Nam; lộ trình phân loại rác tại nguồn của thành phố Hà Nội. Ngoài ra, các thầy giáo, cô giáo và học sinh cũng được thực hành phân loại rác tại nguồn theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Những năm qua, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp ở hầu hết các địa phương. Tình trạng rác thải không được thu gom, xử lý gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, mất mỹ quan đô thị, hình thành nhiều điểm ô nhiễm nghiêm trọng, tác động đến sức khoẻ và cuộc sống của người dân.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện phát sinh gần 68 nghìn tấn mỗi ngày, tỷ lệ thu gom khoảng 88%, trong đó tỷ lệ chôn lấp lên tới trên 64%, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng cho biết: Phân loại rác tại nguồn mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn, các nghiên cứu đã chỉ ra việc phân loại giúp giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý, tăng lượng rác thải có thể tái chế, tái sử dụng. Từ đó, giảm lượng rác thải phải chôn lấp hoặc đốt, tiết kiệm tài nguyên đất và giảm ô nhiễm môi trường.

Thống kê cho thấy, nếu thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm 60-75% lượng rác là rác thực phẩm, giảm 15-20% lượng rác là rác tái chế, chỉ còn khoảng 25-30% rác thải phải mang đi chôn lấp hoặc xử lý tại các nhà máy, mang lại hiệu quả rất lớn với môi trường và sức khoẻ con người.

Còn theo đại diện Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, muốn biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại rác, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống và nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý. Phân loại tại nguồn sẽ cho rác thải một vòng đời mới, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích là việc nên làm và phải làm. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý.

Luôn quan tâm tới công tác giáo dục bảo vệ môi trường cho toàn thể giáo viên và học sinh, Phó trưởng Phòng giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, Nguyễn Như Tùng cho biết: Phòng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên và nhân viên nhà trường về chủ đề bảo vệ môi trường; tích cực phối hợp với các trường đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình giảng dạy bao gồm các bài học, dự án và hoạt động ngoại khóa liên quan đến bảo vệ môi trường.

Nhiều chiến dịch và cuộc thi về bảo vệ môi trường đã được các nhà trường tổ chức như thi đua phân loại rác, thiết kế tranh ảnh tuyên truyền hoặc viết bài luận về môi trường. Một số trường học thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như dọn dẹp môi trường, trồng cây, tham quan các cơ sở xử lý rác thải.

Thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục tình yêu môi trường đến giáo viên và học sinh nhằm hướng tới xây dựng một thế hệ học sinh văn minh, yêu môi trường, yêu thiên nhiên.

Theo quy định Luật Bảo vệ Môi trường, chậm nhất ngày 31/12, các địa phương chính thức thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tại Hà Nội, số liệu thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho thấy, mỗi ngày thành phố có khoảng 7000 đến 7.500 tấn rác thải sinh hoạt, trung bình mỗi người thải ra 0,8kg/ngày, phần lớn rác thải sinh hoạt của Hà Nội được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, một phần nhỏ được dùng làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy đốt rác phát điện.

Hà Nội đang thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn ở 23 phường thuộc 5 quận, tiến tới việc triển khai nhân rộng tại 30 quận, huyện, thị xã vào năm 2026.