Chia sẻ kinh nghiệm vượt qua Covid-19 và quản lý hậu Covid-19

NDO - Ngày 24/11, Hội Y học các nước Đông Nam Á (MASEAN) và Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm trong MASEAN vượt qua Covid-19 và quản lý hậu Covid-19".
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Tham gia Hội nghị, có đại diện hội Y học các nước trong khu vực như: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Philippines, Brunei... Các đại biểu đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, sáng kiến và tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đẩy lùi đại dịch Covid-19, quản lý hậu Covid-19 theo cách phù hợp nhất với từng quốc gia trong khối ASEAN; tiến tới một cộng đồng chung sống an toàn với Covid-19.

Sau hơn 2 năm ứng phó, mặc dù đại dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, nhưng Tổ chức Y tế thế giới đánh giá tình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ với các biến thể có khả năng lây lan nhanh và gây nguy hiểm như: Delta, Omicron. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và diễn biến khó lường trong thời gian tới.

PGS, TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam nêu rõ, tại Việt Nam, sau hơn hai năm chống dịch đã bước đầu đúc kết được một số kinh nghiệm từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên; Việt Nam đã tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để mỗi người dân biết tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và cho cả cộng đồng. Người dân có nguyện vọng và tự giác đi tiêm vaccine, diện bao phủ vaccine tăng lên rõ rệt. Việt Nam đã huy động các cấp, các ngành, địa phương mọi tầng lớp nhân dân tham gia tích cực phòng, chống dịch Covid-19.

Việt Nam có sáng kiến lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 và đã kêu gọi được nhiều nguồn tài trợ tham gia đáp ứng được nguồn vaccine cho nhân dân, nhằm đạt được mục tiêu: Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời phải khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội.

Nhờ chống dịch hiệu quả, Việt Nam đã chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có “những khoảng trống chưa được lấp đầy”, khi hiệu quả chống nhiễm bệnh của vaccine giảm trên những đối tượng nguy cơ cao như người bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, kể cả người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, đặc biệt những người bị suy giảm chức năng miễn dịch. Đây lại là những đối tượng dễ tổn thương, dễ trở nặng và tử vong khi nhiễm bệnh.