Áp lực từ nhiều phía
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan và ảnh hưởng của dịch bệnh đến sức khỏe tâm thần của người dân. Theo thống kê, sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ các vấn đề về sức khỏe tâm thần đã gia tăng, bao gồm tỷ lệ mắc trầm cảm, rối loạn lo âu, ý định tự tử. Tình trạng sức khỏe tâm thần này có thể được ghi nhận ngay trong quá trình bùng phát dịch, nhưng cũng có thể kéo dài và thậm chí khởi phát một thời gian rất dài sau khi kết thúc dịch bệnh.
Trước thực tiễn đó, hội thảo khoa học với chủ đề “Đại dịch Covid-19: Những vấn đề đặt ra với công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần” đã được tổ chức.
Trình bày tham luận về vấn đề ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến rối loạn căng thẳng sau sang chấn ở sinh viên, TS Lê Thị Mai Liên (giảng viên Khoa Tâm lý học, ĐH KHXH-NV), đã chỉ rõ những vấn đề giới trẻ đang gặp phải. Theo bà Liên, thường ngày SV đã mệt mỏi với nhiều áp lực, từ học tập tới chi tiêu hằng tháng, đại dịch như cú giáng mạnh làm SV lao đao. 228 SV từ các trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ và thang đo tác động của sự kiện (IES-R - Impact of Event Scale-Revised). Kết quả tham khảo từ thang đo IES-R cho thấy có 138 SV (chiếm 60,53%) đạt ngưỡng có thể chẩn đoán rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).
Các yếu tố như phơi nhiễm với virus Corona, khó khăn trong học tập, khó khăn trong các mối quan hệ thân thiết, ảnh hưởng của xã hội... là những yếu tố dự báo cho các triệu chứng PTSD. Dù rằng kết quả về mức độ PTSD hay căng thẳng ở SV các năm học là khác nhau qua các nghiên cứu, nhưng SV của từng năm đều phải đối diện với nhiều thử thách. Theo kết quả ghi nhận, nghiên cứu chỉ ra rằng, những SV năm thứ hai là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi PTSD cao nhất. “Khi dịch Covid-19 chớm xuất hiện, các SV năm hai đại học hiện tại đang là học sinh cuối cấp THPT, chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp và đại học nên có nhiều căng thẳng. Đại dịch xuất hiện, họ lại một lần nữa phải tái trải nghiệm những sự kiện căng thẳng, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe như ở thời điểm chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Ngoài ra, họ cũng có thể có những nỗi thất vọng vì cuộc sống đại học trong đại dịch không như những gì mình mong đợi. Các triệu chứng bộc lộ cao nhất với các biểu hiện như xâm nhập, né tránh, tăng nhạy cảm quá mức. Trong đó, triệu chứng xâm nhập phổ biến hơn hai triệu chứng kia, người bệnh sẽ không tự chủ được, hay hồi tưởng về ký ức đau buồn, lặp đi lặp lại”, TS Mai Liên cho biết thêm.
Lạc quan và hướng về phía trước
Theo các chuyên gia, trong bất cứ liệu trình can thiệp nào, giữ cho tinh thần lạc quan vẫn là phương thuốc hiệu quả nhất để đưa cơ thể, tâm lý cân bằng trở lại. Do đó, chính SV phải là những người tiên phong nghĩ tích cực, làm tích cực, học tập với tinh thần tích cực, tập trung vào những điểm mạnh để tìm giải pháp thay vì chỉ nghĩ đến những khó khăn. “Ảnh hưởng của dịch bệnh chỉ là vấn đề trong ngắn hạn, hãy giữ ổn định cho chính mình bằng cách lắng nghe cơ thể, chăm sóc bản thân nhiều hơn, mạnh dạn chia sẻ với mọi người, tương tác nhiều hơn với các hoạt động cộng đồng để được trao và đón nhận những yêu thương nhiều hơn”, TS Lê Thị Mai Liên chia sẻ.
Cùng với đó, TS Mai Liên đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ SV trong các vấn đề về sức khỏe nói chung và PTSD nói riêng. Đó là nhà trường có thể tiến hành sàng lọc trong thời gian định kỳ để phát hiện và hỗ trợ kịp thời SV có khó khăn về sức khỏe tâm thần, hỗ trợ học tập cho SV, tập trung vào giáo dục tâm lý để trang bị kỹ năng ứng phó. Cùng với đó, gia đình, giảng viên có thể tăng thêm sự quan tâm với SV. Thành lập các nhóm hỗ trợ đồng đẳng trong SV để cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau vượt qua những tình huống khó khăn. Để làm được tốt hơn, nhà trường, các cấp quản lý có thể triển khai những chính sách hỗ trợ thiết thực như tăng cường hỗ trợ tâm lý cho SV, đồng thời kiểm soát truyền thông để tránh sự lan truyền của những thông tin sai sự thật, gây xáo trộn ảnh hưởng tâm lý giới trẻ.