“Chìa khóa” thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Hạ tầng số là nền tảng cho các ứng dụng công nghệ hiện đại và đóng vai trò chiến lược trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. Tại Bình Định, việc xây dựng và ứng dụng hạ tầng số vào quản lý nhà nước giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ công và thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm kiểm soát, điều hành đô thị thông minh tại Bình Định. (Ảnh Sở Thông tin và Truyền thông)
Trung tâm kiểm soát, điều hành đô thị thông minh tại Bình Định. (Ảnh Sở Thông tin và Truyền thông)

Nền tảng cho đổi mới sáng tạo

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định, năm 2024 Sở đã phối hợp các doanh nghiệp viễn thông tập trung xóa vùng lõm sóng, bảo đảm tốc độ mạng viễn thông di động. Tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đã đạt 100% tại trung tâm các xã, thị trấn và 99,9% các thôn. Hiện còn làng O2, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh chưa có sóng di động và 8 thôn nằm rải rác ở 3 huyện vùng cao Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh chưa có hạ tầng cáp quang, tuy nhiên tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 99,6% (tăng 2,58% so với năm 2023). Hiện Viettel Bình Định đã triển khai mạng 5G trên địa bàn tỉnh với hơn 70 trạm BTS tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới viễn thông đã giúp tỉnh Bình Định thu hút nhiều doanh nghiệp viễn thông đầu tư phát triển dịch vụ. Tháng 6/2024, Viettel Bình Định đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trạm phát sóng 4G tại làng vùng cao Canh Giao, xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh), giúp người dân nơi đây dễ dàng truy cập internet và liên lạc qua điện thoại. Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh cũng đã chuyển đổi hơn 176.000 thiết bị di động và 41.000 SIM từ công nghệ 2G sang 4G, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Bên cạnh việc phát triển hạ tầng viễn thông, tỉnh Bình Định rất chú trọng nâng cấp hạ tầng công nghệ số. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh được bảo trì và duy trì hoạt động ổn định, bảo đảm an toàn thông tin, hỗ trợ các dịch vụ đô thị thông minh, hệ thống văn phòng điện tử và các trang thông tin điện tử. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II đã kết nối 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn, tạo điều kiện thuận tiện cho công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công hiệu quả.

Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 cho phép người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ, tra cứu tình trạng xử lý và nhận kết quả qua mạng một cách nhanh chóng và tiện lợi. Bên cạnh đó, hệ thống một cửa điện tử tích hợp toàn bộ dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp giúp theo dõi và giám sát tiến độ xử lý hồ sơ một cách minh bạch và hiệu quả. Sự cải tiến này không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp mà còn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

Một kết quả nổi bật khác là việc triển khai mô hình đài truyền thanh thông minh đã được thực hiện tại 138/155 xã trên địa bàn tỉnh. Bình Định đã kết nối hệ thống thông tin nguồn của tỉnh đến hơn 2.700 cụm loa của 138 đài truyền thanh xã, ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông vào việc truyền tải thông tin đến người dân một cách thuận tiện nhất. Những đài truyền thanh thông minh này hoạt động thông qua nền tảng số, giúp nâng cao hiệu quả truyền tải thông tin và tiết kiệm chi phí vận hành.

Đòn bẩy phát triển

Trong giai đoạn tới, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng 5G và Internet vạn vật (IoT), đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, năm 2025 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng 5G. Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng IoT phục vụ các ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp và đô thị thông minh.

Ông Trần Chí Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Oryza System cho biết, trong thời đại ngày nay, việc ứng dụng công nghệ IT và IoT đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Tại Bình Định, việc đầu tư và phát triển hạ tầng IT mang lại nhiều lợi ích thiết thực, từ quản lý nhà nước, giao thông đến các lĩnh vực khác như bất động sản và doanh nghiệp. “Hiện Bình Định đang trở thành một trong những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng IT và IoT, góp phần tạo nên một cuộc sống tiện nghi, an toàn và phát triển”, ông Hiếu cho biết.

Ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật đã trở thành hai công nghệ chủ lực, là nền tảng của cuộc cách mạng chuyển đổi số, giúp tạo ra các giá trị dữ liệu quan trọng và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia tiên phong trong phát triển hạ tầng số tại Đông Nam Á và tham vọng vươn ra thế giới. Tỉnh Bình Định có nhiều lợi thế và tiềm năng, đang tiên phong trong việc ứng dụng và phát triển AI, xây dựng hạ tầng số hiện đại. Tỉnh đã hợp tác với các đơn vị hàng đầu như FPT, GIDP và VMA để triển khai các sản phẩm công nghệ không chỉ phục vụ địa phương mà còn cho cả nước và thế giới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn khẳng định, Bình Định đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn diện, tập trung vào phát triển hạ tầng số, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý nhà nước và sản xuất, kinh doanh, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ bắt đầu từ việc thay đổi công nghệ mà còn phải từ tư duy đổi mới. Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Bình Định đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều dự án trọng điểm như Trung tâm Trí tuệ nhân tạo và Đô thị thông minh, phát triển công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, bảo đảm an toàn giao thông và thương mại điện tử. Hiện tại, tỉnh đang triển khai nhiều dự án quan trọng như sử dụng năng lượng sạch, xây dựng đô thị thông minh, phát triển nông nghiệp số, trong đó AI và IoT đóng vai trò then chốt.

“Tỉnh Bình Định cam kết đi đầu trong việc tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, xây dựng hệ sinh thái công nghệ mà các doanh nghiệp và nhà khoa học có thể cùng nhau sáng tạo, hợp tác và phát triển; tiếp tục là đối tác tin cậy cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi cho sự đổi mới và phát triển ổn định”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.