Ngành y Hà Nội tiếp sức cho TP Hồ Chí Minh chống dịch
Gần 150 y, bác sĩ, kỹ thuật viên 5 bệnh viện gồm: E, Nội tiết Trung ương, Nhi Trung ương, Da liễu Trung ương và Phụ sản Trung ương lên đường vào TP Hồ Chí Minh tiếp sức đồng đội điều trị bệnh nhân Covid-19. Đồng thời, nhiều bệnh viện tư tại TP Hồ Chí Minh cũng đã đăng ký chuyển đổi công năng để điều trị bệnh nhân Covid-19.
Nhận quyết định của Bệnh viện E cử tham gia đội chi viện TP Hồ Chí Minh, BS Trần Nam Chung, Phó Trưởng khoa cơ xương khớp cho hay, cũng giống như nhiều thầy thuốc trong bệnh viện, anh đã chuẩn bị kiến thức y khoa, cập nhật và bổ sung quy định, phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19 thông qua các buổi tập huấn của bệnh viện, Bộ Y tế. "Thực tế nơi tuyến đầu chống dịch sẽ giúp chúng tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19" - BS Chung tâm sự trước lúc lên đường.
Cùng với BS Chung, có 45 y, bác sĩ (gồm 15 bác sĩ và 30 điều dưỡng viên) của Bệnh viện E. Họ sẽ lên đường vào TP Hồ Chí Minh tiếp sức chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến ở TP Thủ Đức… Các thầy thuốc này hiện đang công tác tại nhiều khoa như tim mạch, gây mê hồi sức, gây mê hồi sức tích cực, ngoại tim mạch...
Đoàn công tác đặc biệt do TS Phan Thảo Nguyên – Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch - làm trưởng đoàn. TS Phan Thảo Nguyên chia sẻ, ngay khi nhận được thông tin bệnh viện sẽ chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch, đã có 200 y, bác sĩ tình nguyện đăng ký tham gia, trong đó có rất nhiều người trẻ. Ai cũng mong muốn sẽ là "những mảnh ghép nhỏ" góp vào bức tranh lớn trong công cuộc đầy lùi dịch Covid-19, sớm đưa cuộc sống bình yên trở lại với người dân TP Hồ Chí Minh.
Cũng trong chiều 26/7, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tổ chức lễ xuất quân tiễn đoàn cán bộ lên đường vào TP Hồ Chí Minh chia lửa với thành phố. Ngay tối 26/7, 33 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y đã lên đường. Họ đều đã được tiêm vaccine Covid-19. Đoàn sẽ vào hỗ trợ Bệnh viện Dã chiến TP Thủ Đức điều trị bệnh nhân Covid-19.
Cùng lên đường vào tối 26/7 còn có 15 thầy thuốc của Bệnh viện Nhi Trung ương vào sát cánh đồng đội hỗ trợ TP Hồ Chí Minh. Đoàn gồm 5 bác sĩ và 10 điều dưỡng viên chuyên ngành cấp cứu, hồi sức tích cực. Đây là đội quân tinh nhuệ của bệnh viện, đều đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 từ 2 tuần trước. Lãnh đạo bệnh viện cho biết, theo phân công, đoàn sẽ vào tiếp sức điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường (đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2).
33 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên của 16 đơn vị thuộc Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 26/7 đã chuẩn bị hành trang, sẵn sàng lên đường góp sức hỗ trợ y bác sĩ nơi đầu chiến tuyến TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng thời gian này, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã cử đoàn công tác gồm 17 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và trang thiết bị vật tư lên đường vào TP Hồ Chí Minh. Đoàn ra quân lần này của Bệnh viện Da liễu Trung ương có 17 cán bộ, trong đó có 5 bác sĩ, 10 điều dưỡng viên và 2 kỹ thuật viên. Toàn bộ thành viên trong đoàn đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.
* Các bệnh viện tư TP Hồ Chí Minh tham gia chống dịch
Hưởng ứng lời kêu gọi trong Thư ngỏ của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch, nhiều bệnh viện tư trên địa bàn thành phố như BV Hoàn Mỹ Thủ Đức, BV Triều An, BV Xuyên Á, BV Nam Sài Gòn đã đăng ký chuyển đổi công năng để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện Hiệp Lợi tham gia tiêm chủng.
Trong đó, Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức đăng ký chuyển đổi công năng toàn bộ bệnh viện với quy mô ban đầu là 100 giường và có thể nâng lên 200 giường khi cần. Hiện bệnh viện đang khẩn trương lắp đặt thêm bồn oxy lỏng để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 trong vài ngày tới. Đây là một bệnh viện có cơ sở hạ tầng hiện đại, vừa đưa vào sử dụng chỉ hơn 4 tháng.
Bệnh viện Triều An đăng ký hoạt động theo mô hình “bệnh viện phân đôi” với 100 giường chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19. Trong thời gian qua, BV Triều An đã tiếp nhận và điều trị một số trường hợp Covid-19 có triệu chứng tại khu cách ly của bệnh viện.
Còn Bệnh viện Xuyên Á, mặc dù bệnh nhân nội trú vẫn còn rất đông với nhiều trường hợp nặng cần cần can thiệp phẫu thuật, nhưng bệnh viện vẫn đăng ký tham gia điều trị Covid-19 theo mô hình “bệnh viện phân đôi” với quy mô 125 giường. Lãnh đạo bệnh viện cam kết sẽ thiết kế và triển khai xây dựng theo mô hình bệnh viện dã chiến tách rời hẳn khỏi cơ sở hiện nay của bệnh viện.
Sau thời gian tạm ngưng hoạt động, Bệnh viện Nam Sài Gòn đã đăng ký hoạt động trở lại để tham gia công tác điều trị Covid-19 của thành phố.
Tất cả bệnh viện trên đều đủ năng lực để tham gia ở tầng 3 trong hệ thống điều trị 5 tầng của thành phố. Sở Y tế mong và tin rằng sẽ còn nhiều bệnh viện tư nhân khác tiếp tục đăng ký tham gia đồng hành với các bệnh viện công lập trong một quyết tâm cao nhất, sớm khống chế được dịch bệnh, góp phần giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tử vong.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh hoan nghênh và trân trọng các bệnh viện tư nhân đã chủ động đăng ký tham gia một phần (theo mô hình bệnh viện tách đôi) hoặc chuyển đổi công năng trở thành bệnh điều trị Covid-19.
Khối bệnh viện tư nhân còn tham gia công tác tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 đang được tiến hành tại TP Hồ Chí Minh, điển hình như Bệnh viện Thẩm mỹ Hiệp Lợi. Ngay khi nhận được đề nghị của chính quyền, mặc dù là bệnh viện tư nhân nhưng Hiệp Lợi đã huy động 14 y bác sĩ tinh nhuệ để tham gia chống dịch, hỗ trợ tiêm chủng. Tính từ 22/7 đến trưa 26/7 đã tiêm được gần 1.000 người.
52 cán bộ y tế Phú Thọ lên đường hỗ trợ Bình Dương chống dịch
Chiều 27/7, tỉnh Phú Thọ đã cử đoàn cán bộ gồm 52 y, bác sĩ, nhân viên y tế chi viện cho tỉnh Bình Dương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đoàn công tác gồm 15 bác sĩ, 31 điều dưỡng, 6 kỹ thuật viên xét nghiệm của 19 đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh. Đây là lần thứ 5 tỉnh Phú Thọ cử đoàn cán bộ y tế hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Phú thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Đại Dũng ghi nhận việc làm ý nghĩa, tinh thần nhân văn và ý thức trách nhiệm của ngành y tế tỉnh nói chung và 52 y, bác sĩ, điều dưỡng trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Đồng thời mong muốn, với tinh thần quyết tâm cao và trình độ chuyên môn, các bác sĩ, điều dưỡng, y sĩ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chung sức, giúp đỡ nhân dân tỉnh Bình Dương vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.
Trước khi tham gia đoàn chi viện hỗ trợ tỉnh Bình Dương, các thành viên đều đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, xét nghiệm, bảo đảm điều kiện sức khỏe và chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm, truy vết và điều trị cho bệnh nhân.
25 đoàn nhân viên tế tới Bình Dương
Tính đến ngày 27/7, Bình Dương đã nhận được sự chi viện, hỗ trợ của 25 đoàn của Bộ ngành, đơn vị và địa phương với hơn 3.000 cán bộ, chuyên gia, lực lượng vũ trang, đội ngũ y, bác sĩ, tình nguyện viên giúp tỉnh phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.
Ngày 27/7, tại thành phố Thủ Dầu Một, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã gặp mặt với các Đoàn của Bộ ngành, đơn vị và địa phương chi viện, hỗ trợ tỉnh Bình Dương trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bình Dương, từ đợt dịch thứ tư đến sáng 27/7, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 8.830 ca mắc Covid-19. Tỉnh đang tập trung công tác xét nghiệm diện rộng, điều tra dịch tễ, truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị…
Góp ý cho công tác phòng, chống dịch bệnh, tại hội nghị, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, cho rằng, tỉnh Bình Dương cần thành lập trung tâm điều phối nhân lực, trang thiết bị; rà soát sàng lọc nhằm phân bổ lực lượng y, bác sĩ, tình nguyện viên phù hợp đáp ứng cho công tác điều trị ở các địa phương, để tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, lãng phí nguồn nhân lực.
Đại diện các Đoàn đã trình bày, đề xuất, tư vấn nhiều giải pháp trong công tác phối hợp phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ điều trị bệnh nhân trong thời gian tới đạt hiệu quả; trang bị đầy đủ cho các lực lượng hỗ trợ của địa phương khi làm nhiệm vụ giúp truy vết, xét nghiệm; cần nhanh chóng tách các F0 có triệu chứng tại các doanh nghiệp để đưa ngay đến nơi điều trị, đối với ca F0 không có triệu chứng sẵn sàng thu dung tại chỗ. Bên cạnh đó, cần phân loại bệnh nhân trong điều trị, trường hợp F0 không có triệu chứng nên tập trung về một khu điều trị để giảm tải cho lực lượng y tế; dành lực lượng để tập trung cứu chữa cho các ca bệnh nặng.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và nhân dân tỉnh Bình Dương, đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã trân trọng gửi lời cảm ơn sự chi viện, hỗ trợ về vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực của các Bộ ngành Trung ương, đơn vị và các địa phương nhằm giúp Bình Dương trong công tác điều trị, phòng, chống dịch Covid-19.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đoàn để giúp công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hoàng Thao cũng yêu cầu các Tiểu ban chỉ đạo phải bảo đảm sự an toàn, chăm lo chu đáo vấn đề ăn, ở, đi lại của các lực lượng tình nguyện. “Các lực lượng tình nguyện về Bình Dương phải được tiếp đón bằng cả tấm lòng của người Bình Dương. Mong muốn lực lượng tình nguyện xem những bệnh nhân như chính người thân, người dân quê mình để chăm sóc hỗ trợ”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương chia sẻ!
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bình Dương, hiện tỉnh đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp tục tổ chức công tác điều phối, phân loại bệnh nhân F0; thực hiện thần tốc xét nghiệm sàng lọc theo phương châm “làm đến đâu chắc đến đó, làm đến đâu sạch đến đó”, tách F0 ra khỏi cộng đồng; nghiên cứu việc thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà ở thành phố Dĩ An; tiêm chủng vaccine và phun khử khuẩn trên diện rộng; đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện thật nghiêm Chỉ thị 16 với các biện pháp cao hơn, quyết liệt hơn, nhất là kiểm tra chặt chẽ giãn cách giữa người với người, gia đình gia đình, khu phố với khu phố…
Trước tình hình ca bệnh tăng, tỉnh đã khảo sát, chuẩn bị các nguồn lực (nhân lực, vật lực) để mở rộng thêm các khu điều trị F0 có thể đáp ứng quy mô 20.000 bệnh nhân. Hiện tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan Trung ương tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ lực lượng cùng trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị cho bệnh nhân Covid-19.