Chỉ có 20% số bệnh nhân tăng huyết áp đạt mục kiểm soát được huyết áp

NDO - Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong sớm có thể phòng ngừa hàng đầu trên toàn thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
GS,TS Phạm Mạnh Hùng khám, tư vấn cho người bệnh tăng huyết áp.
GS,TS Phạm Mạnh Hùng khám, tư vấn cho người bệnh tăng huyết áp.

GS, TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Một công bố trên tờ tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet phân tích số liệu của 1.201 nghiên cứu đại diện cho dân số từ 184 quốc gia với 104 triệu người trong độ tuổi từ 30 đến 79 cho thấy trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2019 số người mắc tăng huyết áp đã tăng gấp hai lần, trong đó nữ giới từ 331 lên 626 triệu người, nam giới từ 317 lên 652 triệu người.

Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp được chẩn đoán, điều trị và kiểm soát được huyết áp ở nữ giới là 59,47% và 23%; ở nam giới là 49,38% và 18%. Như vậy, cứ 10 bệnh nhân tăng huyết áp trung bình chỉ có khoảng 2 bệnh nhân đạt mục tiêu kiểm soát được huyết áp.

Tỷ lệ này khác nhau ở các khu vực địa lý, khu vực Đông và Đông Nam Á có tỷ lệ thấp hơn so với trung bình.

Tại Việt Nam, theo một điều tra dịch tễ của Chương trình quốc gia phòng, chống tăng huyết áp, Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) thực hiện với 5.454 người trưởng thành đại diện cho các nhóm đối tượng và vùng địa lý khác nhau trên toàn quốc thì tỷ lệ bị tăng huyết áp đã lên tới 47,3 %, trong đó tỷ lệ tăng huyết áp không được phát hiện ước tính là 39,1%, tỷ lệ tăng huyết áp điều trị nhưng chưa kiểm soát được tới 69%.

Chỉ có 20% số bệnh nhân tăng huyết áp đạt mục kiểm soát được huyết áp ảnh 1

Người bệnh tăng huyết áp cần được điều trị và kiểm soát ở mức ổn định.

Hiệu quả của việc điều trị tăng huyết áp một lần nữa được khẳng định từ kết quả của một phân tích gộp số liệu của 51 thử nghiệm lâm sàng với hơn 350 nghìn người bệnh. Theo kết quả phân tích, chỉ cần giảm mỗi 5mmHg huyết áp tâm thu hoặc 3mmHg huyết áp tâm trương có thể giảm tới 9% nguy cơ các biến cố tim mạch chính phối hợp đột quỵ gây tử vong hoặc không; nhồi máu cơ tim hoặc bệnh tim thiếu máu cục bộ gây tử vong hoặc không; suy tim gây tử vong hoặc phải nhập viện ở nhóm đối tượng từ 55 đến 84 tuổi.

Như vậy, tăng huyết áp đang thật sự là vấn đề sức khỏe của cộng đồng, cần có một chiến lược và cách tiếp cận hợp lý để nâng cao nhận thức về bệnh cùng những biến chứng nguy hiểm của nó. Từ đó đẩy mạnh công tác khám sàng lọc, phát hiện, điều trị và nâng cao tỷ lệ kiểm soát được huyết áp tại cộng đồng.