Đẩy mạnh truyền thông về hiến tặng mô, tạng
Trên hành trình đưa anh L.V.H từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê Nghệ An để trút hơi thở cuối cùng, người nhà anh đã quyết định hiến tặng mô, tạng của anh. Để kịp hồi sức cho mô, tạng của anh H., Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã liên hệ các y, bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế để đưa anh về bệnh viện hồi sức, lấy tạng của anh H. kịp thời.
Mô tạng của anh lấy được bao gồm: Thận, phổi, giác mạc ghép tại Bệnh viện Trung ương Huế, gan được ghép tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Câu chuyện của anh H. đã lan tỏa giá trị tốt đẹp của việc cho đi là còn mãi vào ngày 4/8 vừa qua.
Tuy nhiên, số người chết não qua đời hiến tạng tại Việt Nam còn rất nhỏ nhoi, trong khi đó, 94% là nguồn tạng hiến từ người cho sống.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, thế giới thực hiện ca ghép tạng đầu tiên vào năm 1954 và 30 năm sau, ghép tạng thành phương pháp điều trị hiệu quả và được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Khi kỹ thuật ghép tạng phổ biến, thiếu tạng là vấn đề lớn trên toàn thế giới nhưng thế giới không ủng hộ việc hiến tạng từ người cho sống.
“30 năm qua, thế giới đã đẩy mạnh truyền thông và triển khai nhiều biện pháp, chương trình truyền thông để tăng nguồn hiến tạng từ người chết não, người chết tim. Đến nay, ở nước phát triển, tỷ lệ ghép tạng như ghép thận, gan, tim.. hơn 90% là tạng hiến từ người chết não hoặc người hiến chết tim. Việt Nam chỉ có 6% tạng hiến từ người chết não, chết tim, còn lại hơn 90% từ người cho sống”, Phó Giáo sư Hệ cho hay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ. |
Với con số hiến tạng từ người cho chết não còn rất hạn chế, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho hay, có nhiều vấn đề bất cập trong vận động người dân hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam.
“Tôi nghĩ, những cán bộ y tế cũng chưa dành nhiều thời gian quan tâm đến việc vận động gia đình người chết não hiến tạng. Việt Nam có hơn 1.500 cơ sở y tế, nhưng không phải cơ sở nào cũng đủ khả năng để chẩn đoán nguy cơ chết não của người bệnh.
Việt Nam còn là nước thiếu nhiều nguồn lực đầu tư về y tế nên có nhiều mặt bệnh cần được ưu tiên, quan tâm đầu tư hơn so với lấy, ghép mô, tạng.
Bên cạnh đó, trong đời sống tâm linh người Việt vẫn quan trọng chết phải toàn thây, nên khi tuyên truyền với người dân về hiến tạng khi chết não, họ có rất nhiều tâm tư, băn khoăn”, Phó Giáo sư Hệ cho hay.
Dẫn chứng so sánh ở thế giới, Phó Giáo sư Hệ cho biết, Hàn Quốc có khoảng 50 triệu dân, mỗi năm ghép tạng khoảng 5.000 ca. Nhưng tại nước này, trung bình mỗi ngày có 6 người chết vì không có tạng ghép.
Trong khi đó, ở Việt Nam, trong suốt 30 năm, chỉ ghép được 7.000 ca. Năm 2022 Việt Nam lập kỷ lục khi ghép tạng được hơn 1.000 ca.
“Nếu Việt Nam có mô hình bệnh tật giống như Hàn Quốc thì theo tỷ lệ đó, chúng tôi dự đoán có khoảng 36 người chết mỗi ngày vì không được ghép tạng. Hiện trong danh sách chờ ghép quốc gia đang có 5.000 ca đang chờ ghép nhưng đấy chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế”, ông Hệ cho hay.
Cần 1.500 bệnh viện vào cuộc vận động người dân hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời
Việt Nam hiện có 25 cơ sở y tế ghép tạng. Trình độ ghép tạng, chăm sóc người ghép ở Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực. Hiện giá trị của hiến tạng cứu sống nhiều người đã được truyền thông lan tỏa nhiều thời gian qua, người dân cũng hiểu về giá trị nhân văn của việc cho đi là còn mãi, nhưng biến suy nghĩ của người dân thành hành động hiến tạng thì còn nhiều thách thức vì những rào cản của gia đình, của tâm lý.
Học tập mô hình vận động hiến tạng của Tây Ban Nha, Mỹ và 2 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ, tới đây, trung tâm sẽ tổ chức các hội nghị truyền thông vận động người dân hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời.
Đến nay, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản cụ thể, trong đó có yêu cầu các bệnh viện phải có Hội đồng chẩn đoán chết não và gần đây nhất là Bộ Y tế có văn bản gửi cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố có đầu mối báo cáo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia về tình trạng bệnh nhân chết não tiềm năng và bệnh nhân chết não tại cơ sở y tế.
Phó Giáo sư Đồng Văn Hệ bày tỏ, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cần có sự phối hợp của các cơ sở y tế trong chủ động phát hiện nguồn chết não tiềm năng, truyền thông cho tất cả người nhà bệnh nhân.
Với 2 văn bản cụ thể Bộ Y tế mới ban hành, tới đây, Trung tâm sẽ có những hành động quyết liệt hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn và chắc chắn hiệu quả hơn trong việc vận động người dân hiến tạng sau khi chết não.
“Một người chết não có thể hiến tạng cứu sống 8 người khác và một người chết não có thể giúp cải thiện cuộc sống cho 75-100 người khác. Chúng tôi mong muốn 1.500 bệnh viện trong toàn quốc cùng đồng lòng với chúng tôi. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng cần phải mở rộng truyền thông ngay từ trường phổ thông, các hội nhóm để giới trẻ, người dân hiểu hơn về việc hiến tặng mô, tạng. Với nhiều biện pháp đồng bộ, chắc chắn sẽ có tín hiệu tích cực trong con số hiến tạng từ người cho chết não”, Phó Giáo sư Hệ bày tỏ.
Ông cũng hy vọng, vào năm 2024, Luật Hiến ghép mô, tạng (có hiệu lực từ năm 2017) sẽ có những sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Trung tâm cũng sẽ tiếp tục có ý kiến với Bộ Y tế, đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả cho người dân trong phẫu thuật ghép, hiến mô, tạng, để mọi người dân, dù hoàn cảnh khó khăn vẫn có cơ hội được ghép tạng, kéo dài sự sống. Các hoạt động chẩn đoán chết não, hồi sức, lấy tạng, vận chuyển, bảo quản cần được bảo hiểm xã hội chi trả.
Nhân kỷ niệm Ngày Hiến tạng thế giới 13/8/2023, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp phối hợp Hội vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam và Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tổ chức lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, hiến mô tạng tại thành phố Hải Phòng và tri ân người hiến tặng mô, tạng.