Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/8, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 9 trên Sở NYMEX giảm 0,29% xuống còn 90,50 USD/thùng, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 10 trên sở giao dịch ICE giảm 0,35% về mức 96,34 USD/thùng.
Hiện khoảng chênh lệch giá giữa hai hợp đồng dầu thô Brent và WTI ở mức 5,81 USD/thùng, thu hẹp hơn so với mức 6,14 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2019 được thiết lập vào ngày 1/8, không bao gồm mức tăng đột biến trong ngày đáo hạn hợp đồng.
Sự khác biệt tạo nên chênh lệch giá giữa dầu Brent và WTI
Dầu thô Brent chỉ những loại dầu được khai thác ở khu vực Biển Bắc, là một tiêu chuẩn cho thị trường châu Âu và châu Á, tập hợp của 15 loại dầu sản xuất theo các khối Na Uy và Scotland gồm Brent, Ekofisk, Oseberg và Forties. Trong khi đó, dầu WTI được khai thác từ các mỏ dầu của Mỹ, chủ yếu ở Texas, Louisiana và North Dakota.
Trên lý thuyết, giá dầu WTI nên cao hơn giá Brent, xét về chất lượng ngọt hơn và nhẹ hơn. WTI có chỉ số API là 39,6 độ và hàm lượng lưu huỳnh là 0,24%, trong khi Brent có chỉ số API khoảng 38 độ và hàm lượng lưu huỳnh khoảng 0,40%. Tỷ trọng lưu huỳnh càng thấp, dầu càng dễ được tinh chế thành nhiên liệu xăng hoặc dầu diesel. Ngược lại, dầu có tỷ trọng lưu huỳnh càng cao, hay càng nặng thì càng khó tinh chế. Ngoài ra, dầu càng nhẹ chất lượng càng cao.
Tuy nhiên, trên thực tế, dầu thô Brent thường được giao dịch với mức giá cao hơn so với dầu WTI do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, dầu Brent được coi là chuẩn mực của dầu thô khi chiếm 2/3 khối lượng giao dịch trên toàn thế giới. Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông ảnh hưởng rất lớn tới giá dầu thô, đặc biệt là Brent và có thể dẫn đến sự thay đổi đột biến trong nguồn cung toàn cầu. Dầu WTI ít bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị tương đối ổn định ở Mỹ. Cuối cùng, là do tính ứng dụng của dầu Brent đa dạng hơn so với dầu WTI.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), tùy vào từng thời điểm mức chênh lệch của 2 loại dầu thô cũng khác nhau do các yếu tố cung cầu, địa chính trị, thời tiết. Năm 2021, trong bối cảnh thị trường dầu không có nhiều biến động, hai hợp đồng kỳ hạn WTI và Brent được giao dịch ở mức chênh lệch giá chỉ khoảng 2-3 USD. Tuy nhiên, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine xảy ra vào cuối tháng 2/2022 dẫn đến sự mất cân bằng trên thị trường dầu đã đẩy mức chênh lệch giá lên trên 4 USD/thùng.
Giá dầu WTI suy yếu trong khi giá dầu Brent mạnh lên
Việc sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng vượt mức kỳ vọng trung bình trong năm 2022 và tiêu thụ xăng giảm ba tháng liên tiếp đã khiến giá dầu WTI chịu áp lực. Trong khi đó, nguồn cung thắt chặt bởi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không thể nâng sản lượng lên mức đã cam kết, cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu của Nga sẽ được thực hiện trước cuối năm nay là yếu tố chính hỗ trợ giá Brent trong thời gian qua.
Cụ thể, theo báo cáo đưa ra hôm 3/8, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, trong tuần kết thúc ngày 29/7, sản lượng dầu thô của nước này ở mức 12,1 triệu thùng/ngày, vượt trên mức trung bình 11,9 triệu thùng/ngày được EIA kỳ vọng trong năm 2022. Mức sản lượng kỷ lục hiện tại là 12,3 triệu thùng/ngày, được thiết lập vào năm 2019.
Về nhu cầu, xăng chiếm một nửa tổng lượng tiêu thụ dầu của Mỹ và đóng vai trò như một thước đo sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Do đó, nhu cầu tiêu thụ xăng có tác động rất lớn tới giá dầu thô WTI. Trong tháng 7, nhu cầu tiêu thụ xăng tại Mỹ thấp hơn 0,49 triệu thùng/ngày so với tháng trước và thấp hơn 0,23 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tồn kho xăng tại Mỹ ghi nhận mức tăng 7,8 triệu thùng so với tháng 6.
Đối với giá dầu Brent, nguồn cung thắt chặt từ OPEC trong 3 tháng gần đây là yếu tố hỗ trợ mạnh nhất đối với giá. Theo báo cáo hàng tháng của OPEC, sản lượng thực tế của các thành viên trong nhóm đều thấp hơn khoảng 1 triệu thùng/ngày so với mức cam kết.
Kết thúc cuộc họp trong tuần trước, OPEC và các đồng minh đã công bố sẽ bổ sung sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng 300.000 thùng/ngày của giới chuyên gia. Mức tăng được cho là một trong những con số mục tiêu thấp nhất lịch sử OPEC+, trong bối cảnh hầu hết các thành viên đều đã sử dụng hết công suất của họ.
Bên cạnh đó, công suất khai thác dự phòng hay còn được hiểu là công suất tối đa có thể đưa vào sử dụng trong vòng 30 ngày và duy trì trong ít nhất 90 ngày. Đây là công cụ quan trọng, thường gắn liền với năng lực điều tiết giá dầu của OPEC cũng đang cho thấy sự thắt chặt.
Tuy nhiên, theo báo cáo EIA vừa công bố ngày 9/8, ước tính công suất dự phòng hiện nay của OPEC chỉ ở mức dưới 3 triệu thùng/ngày. Đáng chú ý, công suất dự phòng ước tính trong năm 2022 của nhóm được dự báo ở mức 2,63 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức trung bình trong giai đoạn từ 2012-2021 là 2,76 triệu thùng/ngày.
Theo đánh giá của MXV, mức chênh lệch giữa giá dầu WTI và Brent ước tính sẽ ở mức trung bình khoảng 4 - 5 USD/thùng vào quý IV năm nay, trong bối cảnh nguồn cung dầu thô của Mỹ khó có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, mức chênh lệch cao này sẽ thúc đẩy xuất khẩu dầu thô của Mỹ khi mà EU giảm đến 90% nhập khẩu đối với dầu của Nga vào cuối năm nay.